Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, qua 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2016 cần được sửa đổi đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước như: Thời gian đóng bảo hiểm dài, diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp, chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa cao… Vì vậy việc nâng cao kỹ năng cho các Đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng chính sách là cần thiết, qua đó đáp ứng vai trò của người đại biểu dân cử trong tình hình mới. Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Trong thời gian 1,5 ngày, các đại biểu đã được các chuyên gia báo cáo, chia sẻ các nội dung như: tổng quan về quyền của người tham gia BHXH, kỹ năng phân tích chính sách đối với quyền của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện và chế độ hưu trí. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia bài tập thực hành nhằm nâng cao kỹ năng lập pháp và xây dựng chính sách.
Trước đó, hội nghị nghị bồi dưỡng kỹ năng phân tích chính sách đối với các chế định liên quan đến quyền của người tham gia BHXH đã được Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại TP Vũng Tàu với sự tham gia của 110 ĐBQH các tỉnh, thành phố.