TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CÓ QUY MÔ NGUỒN VỐN CÒN HẠN CHẾ, CƠ CẤU NGUỒN VỐN CHƯA HỢP LÝ

28/09/2023

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn. Ủy ban Xã hội cho rằng tín dụng chính sách xã hội có quy mô nguồn vốn còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý; mức cho vay còn thấp; thời hạn vay vốn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Xã hội đã gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực vực lao động, người có công và xã hội.

Theo đó, Nghị quyết 24 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu giảm nghèo, đó là từ giảm nghèo đơn chiều (thu nhập) trước năm 2016, giảm nghèo tiếp cận đa chiều trước năm 2022 sang giảm nghèo đa chiều để thực hiện giảm nghèo bền vững nhất. Mặc dù CTMTQG GNBV là một Chương trình có thời gian thực hiện lâu nhất, đã trải qua 7 giai đoạn triển khai và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, đa số đối tượng, địa bàn thuận lợi đã thoát nghèo, được thực hiện trong các giai đoạn trước, đến giai đoạn này, địa bàn thực hiện Chương trình là những “lõi nghèo” của cả nước (74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng trung du và miền núi phía Bắc).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ còn chậm (mặc dù vẫn là Chương trình sớm nhất ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện tính đến ngày 6/9/2022), đã ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình trong năm 2021 và năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, một số văn bản đã ban hành còn có khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung; số lượng văn bản phân cấp cho địa phương ban hành còn nhiều (theo Nghị định 27 của Chính phủ có 7 loại văn bản thuộc thẩm quyền địa phương phải ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình); nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp giao cho các địa phương cụ thể hóa như lồng ghép vốn, thủ tục hành chính trong các dự án phát triển sản xuất... Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG nên các địa phương lại tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền.

CTMTQG GNBV thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025 theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia nhưng thực chất bắt đầu thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 do năm 2021 vẫn tiếp tục duy trì chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Kết quả rà soát, thống kê cho thấy còn có bất cập trong công tác dự báo xây dựng CTMTQG GNBV. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo rà soát đầu kỳ năm 2022 công bố cho thấy, giảm hơn 2,067 triệu hộ (trong đó hộ nghèo ít hơn 1,58 triệu hộ, hộ cận nghèo ít hơn 487 nghìn hộ) so với số liệu Chính phủ trình Quốc hội ban hành CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 vào tháng 7/2021. Nguyên nhân chênh lệch số liệu do năm 2021 xảy ra đại dịch COVID-19 nên chưa tiến hành khảo sát, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Khi Chính phủ khi trình Quốc hội CTMTQG GNBV dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê tính toán theo tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tháng 01/2021 để ước tính tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù, đã khảo sát, đo lường được mức độ thiếu hụt về người phụ thuộc trong hộ gia đình và xác định được số lượng hộ nghèo không có khả năng lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xây dựng, ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với nhóm hộ nghèo không có khả năng lao động như yêu cầu Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư.

Giai đoạn 2022-2025 đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều nhưng vẫn thấp hơn “ngưỡng mức sống tối thiểu” và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát hằng năm. Có một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 90) của Thủ tướng Chính phủ và 07 văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án thực hiện Quyết định 90 cần phải rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân Chương trình.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo giảm (6,35%) nhưng 52/74 huyện nghèo lại có tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,2%, tăng 4.027 hộ (từ 159.569 hộ lên 163.596 hộ). Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mà chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người ở các huyện nghèo hằng năm. Kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 còn khá “khiêm tốn”. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021, 2022 chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình, phần lớn là do tác động của các chính sách giảm nghèo thường xuyên và tín dụng chính sách xã hội, sự tự lực vươn lên của người dân và tác động chung của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước. Đây là vấn đề Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phân tích, làm rõ để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 24) và Quyết định 90/QĐ-TTg, đến cuối năm 2025 sẽ có 30% (22/74) huyện nghèo và 30% (16/54) xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 24. Tuy nhiên, qua đi thực tế làm việc tại một số địa phương cho thấy, các tiêu chí nông thôn mới gắn với mục tiêu phát triển bền vững còn chưa thực sự ổn định và nâng cao, nhất là các tiêu chí: 10 về thu nhập, 11 về nghèo đa chiều, 9 về nhà ở dân cư, 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, trong khi các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện nghèo khi đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước về y tế, giáo dục, điều kiện sinh hoạt, tín dụng chính sách xã hội…; cuộc sống của người dân chưa thực sự được cải thiện, nâng cao một cách bền vững.

Cùng với đó, tín dụng chính sách xã hội có quy mô nguồn vốn còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý; mức cho vay còn thấp; thời hạn vay vốn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh; hoạt động ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chặt chẽ. Giai đoạn 2021 - 2025, NHCSXH không được bố trí vốn tín dụng dành riêng để thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương chậm, chưa thực hiện đúng thời hạn theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến tháng 12/2022 vẫn còn 01 tiểu dự án chưa được phân bổ vốn năm 2022 và đến tháng 7/2023 vẫn còn 01 dự án và 01 tiểu dự án chưa được phân bổ vốn năm 2022 để triển khai.

Nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác đạt kết quả thấp. Năm 2022 và 2023: Vốn ngân sách địa phương mới bố trí được 1.129,35 tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng nguồn vốn ngân sách địa phương. Vốn huy động hợp pháp khác mới huy động được 145,804 tỷ đồng, chiếm 1,02%. Giải ngân nguồn vốn địa phương 6 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả thấp (Vốn đầu tư phát triển đạt 4,73%; vốn sự nghiệp đạt 12,82%).

Ngoài ra, giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2021 hầu như chưa triển khai do chưa ban hành được các cơ sở pháp lý thực hiện; năm 2022 đạt kết quả thấp, vốn đầu tư phát triển giải ngân được 45,72%, vốn sự nghiệp chỉ giải ngân được 34,35%. Mặc dù nguồn vốn năm 2022 đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2023 nhưng với kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp thì nguy cơ giải ngân không hết vốn là rất lớn. Đây cũng là tình trạng chung của 3 CTMTQG. Trên cơ sở báo cáo số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, CTMTQG giảm nghèo bền vững đang có những khó khăn về giải ngân vốn và có xu hướng giải ngân thấp nhất trong 03 CTMTQG. Do đó, cần sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Chương trình và có giải pháp quyết liệt thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn năm 2023.

Hồ Hương