CƠ CẤU LẠI LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TRƯỚC ÁP LỰC TỪ CÁC BIẾN CỐ KINH TẾ LÀ ĐỘNG LỰC NÂNG CAO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

29/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ cấu lại lực lượng lao động trước áp lực từ các biến cố kinh tế là động lực nâng cao năng suất lao động.

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ quan tâm đến vấn đề nâng cao năng suất lao động đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo đó, TS.Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong 5 năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến cố, với 4 đặc trưng: Biến động khó lường; không chắc chắn; phức tạp và mơ hồ. Các biến cố gần đây đưa đến những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động kinh tế thế giới, trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo; các giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị thách thức nghiêm trọng; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt, dễ thích nghi hơn; mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng nhưng sẽ phát triển mạnh hơn mạng lưới sản xuất khu vực. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hoá dịch vụ phát triển mạnh mẽ; ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thương mại điện tử minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê 

Theo TS.Nguyễn Bích Lâm, biến cố kinh tế thế giới thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Khi các cú sốc xảy ra dẫn tới suy thoái kinh tế. Bước vào giai đoạn phục hồi, các nền kinh tế ghi nhận xu hướng thị trường lao động mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mức trước khi kinh tế suy thoái. Chẳng hạn, đối với kinh tế Mỹ trong 7 cuộc suy thoái trước năm 1980, trung bình cần khoảng 5 quý để GDP vượt qua mức đỉnh trước suy thoái; trong khi đó, thị trường việc làm cần trung bình 6 quý để phục hồi. Tuy nhiên, từ năm 1980 trở lại đây sự phục hồi của thị trường việc làm tụt hậu so với GDP. Trong 4 cuộc suy thoái trước khủng hoảng Covid-19, GDP đã tăng lên mức cao trước suy thoái chỉ trong khoảng 6 quý nhưng thị trường việc làm đã mất đến 15 quý.

Hệ lụy về kinh tế - xã hội do đại dịch gây ra, cùng với các nền kinh tế đang phải đương đầu với quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học khiến thị trường lao động không đáp ứng đủ nhân lực để có thể làm mọi thứ như trước đại dịch. Đồng thời, nguồn cung lao động giá rẻ bị suy giảm, tiền lương tăng lên trong bối cảnh khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, vượt bậc. Trước thực tế này, các nền kinh tế nói chung và các công ty đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hoá và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Xu hướng này tác động rất mạnh tới tăng năng suất lao động của nền kinh tế.

TS.Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, cơ cấu lại lực lượng lao động trước áp lực từ các biến cố kinh tế là động lực nâng cao năng suất lao động. Các biến cố đưa nền kinh tế rơi vào giai đoạn khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động. Quá trình tái cơ cấu này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thị trường lao động được cơ cấu lại theo chiều hướng loại bỏ các công việc "lặp đi lặp lại" có quy trình đơn giản bằng những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn. Gần đây, những công việc đơn giản dần được thay thế bằng robot và trí tuệ nhân tạo.

Cơ cấu lại lực lượng lao động là xu thế khách quan do các biến cố kinh tế gây nên, doanh nghiệp sẽ phát tín hiệu đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo.

Trình độ và kỹ năng của người lao động có tác động tích cực làm tăng năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta. Qua phân tích số liệu điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 cho thấy, nếu lấy nhóm lao động chưa qua đào tạo làm gốc so sánh thì khi tăng 1% lao động qua đào tạo của nhóm lao động có đào tạo nhưng không có chứng chỉ sẽ làm năng suất lao động tăng thêm 0,04%. Hiệu quả của tăng thêm 1% lao động được đào tạo dẫn đến tăng năng suất lao động của nhóm lao động có chứng chỉ sơ cấp nghề là 0,16%; của nhóm có bằng trung cấp hoặc cao đẳng là 0,19%; nhóm có bằng đại học trở lên là 0,22%. Tác động và hiệu quả trong việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề để tăng năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta là rất lớn khi có tới 73,6% lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó trong tổng số lực lượng lao động của nền kinh tế.

Cùng với đó, biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu tạo động lực nâng cao năng suất lao động. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo hướng linh hoạt hơn, dễ thích nghi hơn, trong bối cảnh mạng lưới sản xuất toàn cầu vẫn quyết định tương lai của chuỗi cung ứng, nhưng mạng lưới sản xuất khu vực gia tăng sẽ thúc đẩy các quốc gia tham gia sâu hơn các dây chuyền sản xuất và thương mại quốc tế toàn cầu, đưa tới cạnh tranh khốc liệt hơn về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu từ sản xuất tới thương mại và phân phối đòi hỏi các quốc gia phải đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, ứng dụng công nghệ và nâng cao giá trị tài sản dùng trong sản xuất có tác động rất lớn tới tăng năng suất lao động. Qua phân tích số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy nếu tăng 1% giá trị tài sản trên lao động sẽ làm tăng năng suất lao động 0,2%, tác động của doanh nghiệp tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ, gia tăng giá trị tài sản trên lao động tới nâng cao năng suất lao động chắc chắn cao hơn trong giai đoạn hiện nay.

Các biến cố kinh tế và định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu là tác nhân dẫn tới gia tăng cạnh tranh đối với các nền kinh tế thông qua cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu và cạnh tranh thị trường xuất khẩu với các đối thủ nước ngoài. Áp lực cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài bắt buộc doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải thực hiện đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động để có thể cạnh tranh về chất lượng, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và giá bán.

Trong vài thập kỷ qua, Hàn Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững là do năng suất lao động tăng cao với sự lan toả công nghệ. Có được thành quả này, các nhà kinh tế khẳng định vai trò quan trọng của xuất khẩu để duy trì năng suất lao động tăng cao.

Qua phân tích số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu có năng suất lao động cao hơn 35% so với doanh nghiệp không có hoạt động này. Đặc biệt, doanh nghiệp có hoạt động R&D, thực hiện đổi mới sáng tạo có năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp không tham gia R&D.

Để mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước ta phát huy hiệu quả tối đa trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động, bên cạnh việc đổi mới thể chế, cơ chế không chỉ để nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu mà còn phải tạo môi trường cạnh tranh trong các lĩnh vực và thị trường các nhân tố đầu vào của nền kinh tế, đó là thị trường nguyên nhiên vật liệu, thị trường vốn, thị trường lao động và thể chế quản trị doanh nghiệp.

Trong các thập kỷ trước, mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu đã rất thành công đối với Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Á. Tuy vậy, do thiếu cạnh tranh trong các thị trường khác một phần vì thể chế thiếu đồng bộ, không phù hợp đã hạn chế hiệu quả nâng cao năng suất lao động thu được từ các hoạt động thương mại quốc tế. Đây là bài học quan trọng, đắt giá rút ra từ sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản, từ khủng hoảng tài chính tại Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Á mới nổi. Thiết nghĩ, Việt Nam nên tránh vết xe đổ này của các quốc gia trong khu vực đã phạm phải.

Minh Hùng