CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN CỦA TAND TRONG XEM XÉT TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP CỦA VBQPPL TRONG XÉT XỬ

08/10/2023

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đề xuất bổ sung thẩm quyền của Tòa án trong việc “xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của Luật” (khoản 4 Điều 3, khoản 1 Điều 28). Tuy nhiên, xung quanh quy định này, dưới góc nhìn chuyên gia vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng tình.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự thảo Luật được thiết kế gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Nội dung dự thảo kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Theo đó, tại khoản 4 Điều 3 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân ) dự thảo Luật quy định: Xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật.

Tiếp đó, tại Khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật quy định: trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và thông báo bằng văn bản cho Tòa án kết quả xử lý.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án

Quan tâm tới quy định tại dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, ThS. Lại Thị Thu Hà, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng: Theo quy định tại Điều 70, Điều 74, Điều 98 Hiến pháp năm 2013; Điều 164, Điều 165, Điều 167 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Điều 14, Điều 22, Điều 57, Điều 61 Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Điều 22, Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019)...:

Quốc hội có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bãi bỏ VBQPPL của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân: bãi bỏ VBQPPL của Ủy ban nhân dân cùng cấp, VBQPPL của Hội đồng nhân dân cấp dưới trái với nghị quyết của mình, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ VBQPPL của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật và VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp xã và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp huyện bãi bỏ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 thì  trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều chủ thể khác nhau: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân.

Dó đó, theo ThS. Lại Thị Thu Hà việc Dự thảo Luật (điểm k, khoản 2 Điều 23, Điều 28) bổ sung thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc “Xem xét, quyết định tính hợp hiến, hợp pháp của VBQPPL trong xét xử theo quy định của luật” là mâu thuẫn, không phù hợp với quy định có liên quan của Hiến pháp và pháp luật.

Cùng quan điểm, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, quy định như tại Dự thảo là chồng chéo với nhiệm vụ kiểm tra văn bản của Bộ tư pháp, với nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các cơ quan của Quốc hội và của các cơ quan, cá nhân khác. Mặt khác, nhiệm vụ chính của Tòa án là xét xử, nếu nay quy định thêm nhiệm vụ mới này, thì sẽ tạo thêm áp lực quá tải công việc, thách thức lớn trong việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành khi áp dụng để xét xử. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định nhiệm vụ, quyền hạn mới nêu trên của tòa án.

Nêu quan điểm về quy định này, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: Điều 74 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đình chỉ, bãi bỏ một số văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội hoặc trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Điều 6 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc xử lý các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; Điều 15 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tại Chương XV Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật quy định trường hợp hết thời hạn pháp luật quy định mà cơ quan có thẩm quyền không sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án có thẩm quyền thực hiện một số việc, trong đó có biện pháp áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định về thời hạn sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản quy phạm được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ lập luận trên, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, nội dung quy định tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật chưa đảm bảo tính khả thi đồng thời đề xuất, Tòa án có thẩm quyền tuyên bố văn bản quy phạm pháp luật là vi hiến, là trái pháp luật. Điều này đồng nghĩa văn bản quy phạm pháp luật đó không được áp dụng. Hành vi hủy/bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, trái pháp luật sẽ do các cơ quan khác thực hiện./.

Lê Anh