TS.NGUYỄN HẢI LONG: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

15/10/2023

Theo TS.Nguyễn Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, việc hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cần phải đặt trong tổng thể các mối liên hệ, không chỉ xem xét pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân một cách độc lập. Trong đó, cần chú trọng tới việc bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn cũng như hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân.

NGHỊ QUYẾT 594/NQ-UBTVQH15: PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRONG THỰC TIỄN – NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND tại Phiên họp chuyên đề tháng 8/2022

Một trong 13 nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND). Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với những đổi mới mạnh mẽ trong công tác này, đã đưa đến chuyển biến tích cực, góp phần giúp HĐND các địa phương hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả hơn….

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân có cơ sở, chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, TS. Nguyễn Hải Long cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật đối với lĩnh vực này. Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND cần phải đặt trong tổng thể các mối liên hệ, không thể chỉ xem xét pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách độc lập. Từ việc xác định các mối quan hệ này với mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát, tiêu chí hoàn thiện pháp luật hoạt động giám sát của HĐND một cách phù hợp.

Nêu những quan điểm chính về hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, TS. Nguyễn Hải Long cho biết: (1) Phù hợp định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (2) Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; (3) Phù hợp với điều kiện,hoàn cảnh Việt Nam; (4) Bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn; (5) Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân; (6) Tiếp thu có chọn lọc pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, kinh nghiệm giám sát của cơ quan dân cử địa phương một số nước trên thế giới; (7) Phù hợp với xu hướng phát triển pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

TS. Nguyễn Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Phù hợp với diều kiện, hoàn cảnh Việt Nam

Trong đó, TS.Nguyễn Hải Long cho rằng, với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, không thể ngay lập tức có tất cả đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, ngay như với Quốc hội, việc nâng cao số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng được tiến hành từng bước, trải qua thời gian tương đối dài. Do số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách chưa nhiều nên HĐND hiện vẫn theo hướng một năm có một số kỳ họp thường xuyên nhưng tổng thời gian họp không nhiều. HĐND có cơ quan hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp nhưng không được coi là cơ quan thường trực của HĐND như vị trí, vai trò của UBTVQH trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Số lượng các Ban được quy định khá cứng và theo chiều hướng càng xuống cơ sở thì lĩnh vực hoạt động của Ban lại càng rộng.

Như vậy, với nguồn nhân lực không cao cả về số lượng và quyền hạn, thì định về hoạt động giám sát của HĐND cần rõ ràng, cụ thể, ít nhưng phải tinh. Có thể không cần quy định nhiều hình thức giám sát nhưng hình thức nào đã được quy định thì phải đảm bảo HĐND có khả năng thực hiện và thực hiện tốt, có chất lượng và hiệu quả cao. Với chất lượng – cơ cấu đại biểu HĐND hiện nay, quy định về hoạt động giám sát của HĐND cũng khó có thể có sự phát triển, thay đổi mạnh mẽ và không dễ tránh khỏi tính hình thức.

Chính vì vậy, hoạt động giám sát của HĐND lại tiếp tục phải dồn lên vai của TT HĐND và Ban, đồng thời phải quy định thật rõ, thật chi tiết để đại biểu HĐND có thể thực hiện và phải thực hiện quyền giám sát của mình. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giám sát của HĐND không chỉ là những quy định trong chương giám sát của Luật tổ chức HĐND và UBND (hay Luật hoạt động giám sát của HĐND nếu như có ban hành riêng) mà cần hoàn thiện từ các quy định trong Hiến pháp, phần quy định về quyền giám sát của HĐND trong Luật tổ chức HĐND và UBND cùng các quy định bổ trợ khác.

Đoàn giám sát của TT HĐND giám sát kết quả kiến nghị của cử tri

Bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo  tính khả thi trong thực tiễn, TS. Nguyễn Hải Long cho rằng, tính khả thi được xét dưới 2 góc độ, đó là: đảm bảo HĐND có thể sử dụng được các hình thức giám sát trong thực tế; HĐND có thể áp dụng được các chế tài của hoạt động giám sát. Để đáp ứng yêu cầu này, một trong những yếu tố quan trọng là cần xây dựng quy trình, thủ tục hợp lý.

Ngoài tính hợp lý, quy trình, thủ tục cần sự rõ ràng, tránh hiểu theo nhiều nghĩa, hạn chế quy định HĐND có thể thực hiện, nên quy định theo hướng nếu hội tụ đủ điều kiện thì HĐND phải thực hiện quyền giám sát của mình. Nói cách khác, để luật nội dung đi vào cuộc sống thì không thể thiếu được luật hình thức. 

Bên cạnh đó, quy định về pháp luật hoạt động giám sát của HĐND cũng cần phải phù hợp với tổ chức bộ máy của HĐND, với một tổ chức yếu thì dù có giao nhiều quyền trong hoạt động giám sát thì HĐND cũng không thể thực hiện được các quyền này trên thực tế. Khác với cơ quan dân cử địa phương nhiều nước trên thế giới, đại biểu HĐND nước ta có cơ cấu, thành phần khá rõ, trong đó, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không nhiều. Chính vì vậy, về mức độ quy định pháp luật hoạt động giám sát của HĐND cũng phải vừa đủ, để HĐND có thể triển khai trong thực tế.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát

Cũng theo TS.Nguyễn Hải Long, mục đích mà pháp luật hoạt động về giám sát của HĐND hướng tới chính là hiệu lực và hiệu quả, đặc biệt với vị trí, vai trò của HĐND là cơ quan dân cử, cơ quan đại diện cho người dân ở địa phương thực hiện quyền giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn HĐND chưa thể hiện đúng vai trò của mình. Nhiều quy định pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND có tính khả thi, được HĐND thực hiện trên thực tế, nhưng lại thiếu tính hiệu quả, hiệu lực. Đơn cử như việc HĐND giám sát báo cáo công tác của UBND, TAND, VKSND cùng cấp, đã được thực hiện thường xuyên, định kỳ vào kỳ họp HĐND cuối năm. Tuy nhiên, việc giám sát báo cáo này khá hình thức, ít đem lại hiệu quả. Hầu hết HĐND qua hoạt động giám sát báo cáo công tác thường đồng tình với cơ quan báo cáo, ít khi chỉ ra được những thiếu sót mà cơ quan đó cần khắc phục.

Do đó, để hoạt động giám sát của HĐND đạt hiệu quả, hiệu lực cần có sự đổi mới đồng bộ từ tổ chức bộ máy, con người, cơ quan giúp việc,...dưới góc độ pháp luật hoạt động giám sát của HĐND, cần quy định hình thức thực hiện quyền giám sát để HĐND thực sự kiểm soát việc thực hiện quyền lực, quy định những hình thức hỗ trợ giám sát để HĐND thu thập được đầy đủ thông tin, nắm rõ bản chất sự việc. Một điểm không kém phần quan trọng là HĐND có quyền áp dụng chế tài sau giám sát đủ mạnh, có khả năng áp dụng được chế tài và kiểm soát được việc tuân thủ chế tài của HĐND./.

Lê Anh

Các bài viết khác