UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN KT-XH
DỰ THÚC KINH TẾ VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, CẦN THỰC HIỆN GIẢI PHÁP CĂN CƠ HƠN ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự án Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một số chỉ tiêu quan trọng, trong đó chỉ tiêu năng lực lao động chưa đạt được như mục tiêu đặt ra. Điều này cần được Chính phủ tiếp thu, tìm giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.
Đề cập về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm: Trong thời gian 8 tháng đầu năm 2023, tổng thể thị trường lao động Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định, đặc biệt là lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt được 88,39%. Đây là tỷ lệ cũng rất cao và trong lĩnh vực lao động, các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động được Quốc hội giao đều dự kiến đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, cũng đáng lưu ý là nếu như chỉ tiêu lao động qua đào tạo được báo cáo là dự kiến đạt nhưng chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ dự kiến thực hiện đạt được 27-27,5% chỉ tiêu được giao. Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chậm, chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn và có sự chênh lệch ở các vùng, miền.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Về tình trạng mất cân đối về cung, cầu lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, lao động trẻ tập trung về các thành phố lớn để tìm việc, còn các tỉnh lẻ hoặc khu vực vùng sâu, vùng xa gần như không có lực lượng lao động để phát triển kinh tế. Người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa các cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, hoạt động dự báo cung, cầu lao động chủ yếu phục vụ ở cấp độ vĩ, mô mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp và dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối. Doanh nghiệp, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý Nhà nước chưa sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin cho nhau.
Bày tỏ băn khoăn các chỉ tiêu về mặt kinh tế - xã hội không đạt trong thời gian tới, trong đó có năng suất lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, nếu hiện nay, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội mới ở 4,8% so với mục tiêu đặt ra là khoảng 5% đến 6% là sự thách thức lớn.
Các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đều có đánh giá, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Như thế là năng suất lao động có tác động rất lớn đến sự tăng trưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Đề cập về nguyên nhân, giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, chúng ta đã nhận diện được từ rất lâu, Chính phủ cũng đã nêu tại nhiều diễn đàn và đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nêu. Những nguyên nhân chung từ các quy mô của nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, các năng suất lao động nội ngành, cơ cấu lao động. Tuy nhiên, có một vấn đề Chính phủ cần quan tâm thêm là chất lượng nguồn nhân lực đây là một trong các yếu tố để giúp cho năng suất của chúng ta về nguồn vốn, lao động, kỹ thuật, công nghệ và năng lực quản trị. Đây là vấn đề có tính chất cốt lõi đối với nền kinh tế, cần có phân tích trong báo cáo của Chính phủ và trong báo cáo thẩm tra.
Đối với 3 đột phá chiến lược thì chúng ta có thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Hai yếu tố ban đầu là thể chế và hạ tầng được thực hiện rất tích cực, nổi bật. Thể chế thì cả Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nỗ lực trong thời gian vừa qua. Liên quan đến hạ tầng, đặc biệt hạ tầng về giao thông phát triển rất tốt, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt các dự án được triển khai. Tuy nhiên, đột phá thứ ba liên quan đến nguồn nhân lực chưa thực sự được rõ nét và chưa thực sự được quan tâm.
Liên quan đến năng suất lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề này, nhận diện ra được các điểm nghẽn và thực sự có những biện pháp hết sức cụ thể gắn với các chương trình, dự án, những nhiệm vụ chi tiết, cụ thể để tích cực triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ. Năng suất lao động phải gắn với chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Với những ý kiến, băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đúng là hiện nay có một số chỉ tiêu quan trọng chúng ta không đạt được, cả tốc độ tăng trưởng, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng về công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP hay là về năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Về năng suất lao động của năm 2023 thì đúng là vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Có 3 nguyên nhân chủ yếu sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ hơn vấn đề này trong báo cáo của Quốc hội.
Thứ nhất là do với tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt thấp.
Thứ hai là sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phận lao động lại chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức và năng suất lại thấp hơn.
Thứ ba là một bộ phận lao động chuyển việc mới cần phải có thời gian đào tạo lại ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục phân tích rõ hơn và sâu hơn về những vấn đề đặt ra./.