UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO YÊU CẦU CỦA NGHỊ QUYẾT 101/2023/QH15

17/10/2023

Sáng 17/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA BÁO CÁO KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, cơ quan thường trực là Bộ Tư pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đình làm Tổ trưởng, cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội của 63 địa phương và tất cả các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thực hiện việc chủ động rà soát và tổng hợp. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ rà soát, Tổ công tác của Chính phủ và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc độc lập, có đánh giá độc lập với nhau nhưng có sự phối hợp và cung cấp thông tin cho nhau.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng các báo cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Cơ bản tán thành cơ bản với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy công tác rà soát đã được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của tất cả các bộ ngành, cơ quan trung ương, các địa phương, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội. Công tác rà soát đã được thực hiện đúng theo yêu cầu Quốc hội giao trong Nghị quyết 101/2023/QH15 và có tính kế thừa kết quả rà soát trong các đợt thực hiện trước đây.

Qua rà soát cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm theo yêu cầu của Nghị quyết 101/2023/QH15 nói riêng đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Số lượng văn bản và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều. Những vấn đề phát hiện chủ yếu là những bất cập do việc ban hành các văn bản đã quá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, dẫn đến một số quy định bất cập, không còn phù hợp.

Đối với các văn bản dưới luật, còn có tình trạng chưa phù hợp với các quy định của luật và các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, hầu hết những vấn đề bất cập được phát hiện thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều đã có hướng xử lý. Ngoài ra, qua rà soát cũng không thấy phát sinh những nội dung cấp bách cần phải sửa ngay. Chính phủ và các cơ quan Quốc hội thống nhất ý kiến là chưa cần thiết phải có kiến nghị với Quốc hội dùng “một luật sửa nhiều luật”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chính phủ, Tổ Công tác của Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội; ghi nhận trong thời gian rất ngắn nhưng Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã rất tích cực, khẩn trương triển khai khối lượng rất đồ sộ với hàng nghìn trang tài liệu gửi về từ các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là Tổ trưởng và cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật đã rất chủ động, tích cực, có tính độc lập trong hoạt động nhưng cũng phối hợp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với Tổ Công tác của Chính phủ để từ đó tổng hợp một cách tương đối đầy đủ, kịp trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để báo cáo với Quốc hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 101/2023/QH15.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những nội dung đã được làm rõ qua rà soát, là hệ thống pháp luật từ luật cho đến pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, v.v. cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế. Hệ thống pháp luật cơ bản, đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, có tính ổn định nhất định và khả thi, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế một cách ngày càng sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật là công việc thường xuyên, càng bổ sung hoàn thiện, nâng cấp trình độ cao hơn và cập nhật được tình hình thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện cũng cần phải tiếp tục tăng cường. Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thực thi là hai nội dung liên quan mật thiết với nhau do đó đều phải coi trọng; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông về chính sách, đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan trong việc thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội

Về hướng xử lý đối với kết quả rà soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng xử lý được đề xuất nêu tại báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tổng hợp từ kết quả rà soát và thẩm tra của các cơ quan. Theo đó, đối với các nội dung thuộc dự án luật tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp cùng các cơ quan có liên quan để xử lý ngay trong các dự án luật nhằm trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đối với các dự án luật có trong Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã có trong chương trình các năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ chủ trì các dự án luật này nghiên cứu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Đối với các dự án chưa có trong chương trình và trong kế hoạch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu lập đề nghị sửa đổi luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội tiến hành thẩm tra và trình theo quy định.

Đối với các văn bản dưới luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay. Việc tiến hành sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật có thể hạn chế dùng một luật sửa nhiều luật, chỉ sửa khi dùng một luật sửa nhiều luật trong một lĩnh vực chuyên môn.

Cơ bản thống nhất với các đề xuất trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, trên cơ sở kết luận nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 về nội dung này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nội dung đánh giá kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác