Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Theo đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (2) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. (5) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên họp chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường theo danh sách phát biểu đã đăng ký. Tiếp theo chương trình, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu.
14h01: Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Hữu Trí đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản thị, trường xuất nhập khẩu; Đồng thời các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được
Cùng với đó, trong lĩnh vực đầu tư, ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ toàn giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, việc huy động phân bổ về sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công.
Đại biểu cho rằng, năng suất lao động quốc gia tuy có cải thiện nhưng chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng, vì vậy Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình và sớm có đề án chính sách tổng thể có tính chiến lược nâng cao năng suất lao động quốc gia, gắn với cơ cấu là nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
14h05: Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Còn nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp không phải vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nhận được nhiều phản ánh của người dân về các vấn đề chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp ở mức quá cao, tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc vào thị trường, thời tiết, thiên tai.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, tiếp tục có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vị trí, vai trò của nông dân, để nông nghiệp luôn là trụ cột vững chãi cho nền kinh tế, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Về khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu cho biết, trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước có sụt giảm nghiêm trọng, sức tiêu thụ, doanh thu bán hàng trong nước, xuất khẩu giảm làm các doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phải chịu nhiều áp lực ở nhiều phía.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, xem xét giảm lãi suất và tạm thời không thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 cho phần chi phí lãi vay không được trừ đối với các doanh nghiệp trong nước theo quy định Nghị định 132 và doanh nghiệp liên kết.
Ngoài ra, cần rà soát Nghị định 132 để có quy định hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất, phục hồi tiềm lực, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.
14h10: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Cần phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan của các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo
Góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản QPPL đã được rà soát với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác, và cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn.
Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay là việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về kết quả rà soát, đại biểu nhận thấy, kết quả rà soát dù rất tích cực nhưng chưa phản ánh được hết bức tranh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, cho nên cần tiếp tục rà soát.
Đại biểu đề xuất văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ nên quy định thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với những nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quy định tại Điều 21 và Điều 42 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, còn lại, nhất là những thẩm quyền quyết định những vụ việc cụ thể thì nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, việc này không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu mà còn khắc phục được bất cập hiện nay và đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Về xử lý kết quả sau rà soát, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với kiến nghị của Ủy ban Pháp luật là tập trung xử lý văn bản QPPL sau rà soát với lộ trình và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành và nhất là quan tâm tới việc giám sát xử lý kết quả sau rà soát.
14h15: Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận với các ý kiến cho rằng chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu rõ, việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là kịp thời để có nhữngđề xuất sửa đổi, có được giải pháp để làm tốt hơn không chỉ trong xây dựng pháp luật mà kể cả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu rõ với khối lượng rà soát lớn với hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật. Qua rà soát chưa phát hiện thấy nội dung trái chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế. Điều này được thể hiện rất là rõ trong báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến độc lập của các cơ quan của Quốc hội.
Những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy là có những không nhiều, và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng cho biết trong từng nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, về tiến độ và cách thức thực hiện. Trong đó, có nội dung liên quan đến luật dự kiến sẽ xử lý ngay trong kỳ họp này, có việc đã có trong chương trình, kế hoạch lập pháp của năm hay của nhiệm kỳ. Đối với các văn bản dưới luật, Chính phủ cũng đã cam kết chỉ đạo sửa ngay. Ngoài ra, qua rà soát cũng chưa phát sinh yêu cầu, cấp bách cần phải xử lý cũng như là phải dùng một luật để sửa nhiều luật.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát pháp luật và đề nghị việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không dừng ở đây, thực hiện theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên và kết quả rà soát cần phải thực hiện để làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.
14h17: Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tranh luận
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định bày tỏ quan tâm về chung cư mini. Có đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp về thể chế, cũng có đại biểu lo ngại những quy định siết chặt sẽ gây khó cho người dân, nhất là người nghèo…
Đại biểu cho rằng, trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), vừa qua Ủy ban Pháp luật đã chủ trì giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ thêm thực trạng chung cư mini, kịp thời cập nhật các vấn đề thực tiễn phát sinh một cách cầu thị, lắng nghe ý kiến đa chiều để hoàn thiện. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cụ thể đối với nội dung về loại nhà này trong dự thảo Luật.
14h21: Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Thị Lan cho biết, cử tri tin tưởng và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt hơn. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả thực chất, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Đại biểu cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong quá trình thực hiện đã tạo ra sự phát triển đột phá về công nghệ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tập trung triển khai với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của dữ liệu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở địa phương đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập, còn nhiều thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân sự, công nghệ. Với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người chưa có điện thoại di động, khả năng tiếp cận thông tin còn khó khăn.
Đại biểu cũng cho biết, việc triển khai hệ thống thông tin giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn trùng lặp, dẫn đến trường hợp địa phương phải dừng triển khai để thay thế, nâng cấp, kết nối đồng bộ với trung ương. Có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau, gây lãng phí, chậm triển khai chuyển đổi số.
Để đẩy mạnh triển khai một cách hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối các cơ sở dữ liệu, quyết liệt triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.
14h26: Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cử tri và Nhân dân kỳ vọng chiến lược phát triển kinh tế biển sẽ tạo ra đột phá
Đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá cao và bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về việc đánh giá giữa nhiệm kỳ, kết quả triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy vấn đề biển, đảo ít được đề cập, nhất là trong công tác quy hoạch.
Đại biểu Tạ Đình Thi nêu rõ, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại biểu nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn của Đảng, được cử tri, nhân dân các cấp, các ngành, nhất là các địa phương có biển rất mong muốn và kỳ vọng chiến lược sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá....
Theo nhiều chuyên gia, kinh tế biển là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của nước ta dựa trên tiềm năng địa kinh tế quốc gia, thời cơ của thời đại bên cạnh ba trụ cột gồm có nông nghiệp nhiệt đới, du lịch và đô thị. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xem xét, phê duyệt quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đồng thời các ngành, địa phương có biển đã và đang lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Những quy hoạch này sẽ là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những mục tiêu của Chiến lược.
Bên cạnh đó, đến nay đã có 37/42 quy hoạch ngành quốc gia, 4 quy hoạch vùng liên quan trực tiếp đến biển trong số 6 quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, 27/28 quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, phê duyệt. Qua nghiên cứu và khảo sát, đại biểu cho rằng những vấn đề biển, đảo cần được quan tâm nhiều hơn nữa trong các quy hoạch trên.
14h31: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề quan tâm đầu tư xây dựng cầu can trên vùng đất yếu nhưng vấn đề này mới chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu. Bởi Bộ Giao thông vận tải cho rằng tổng mức đầu tư xây dựng cầu cạn gấp hai ba lần xây dựng đường trên nền đất yếu, tuy nhiên Bộ chỉ tính chi phí đầu tư cao nhưng chưa tính hiệu quả lâu dài của dự án cầu cạn. Xây dựng cao tốc ở vùng đặc thù khác ở nơi khác trong cả nước, với địa hình thấp nền đất yếu do ngập nước hàng năm vào mùa lũ, sụt lún, nước biển dâng, thiếu cát san lấp trầm trọng. Trong khi đó, cát biển và cát sông đều gây sạt lở bờ biển, bờ sông, môi trường biển bị xáo trộn; hơn nữa cát sông đang khan hiếm và giá thành cao, khai thác cát còn gây sạt lở bờ sông, gây sụt lún nghiêm trọng ở nhiều địa phương.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc xây dựng cầu cạn trên nền đất yếu là giải pháp hiệu quả nhất, nhất là gần đây Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo quốc tế, đa số ý kiến cho rằng, xây dựng cầu cạn trên nền đất yếu là phù hợp.
Ngoài những yếu tố bất lợi xây dựng trên nền đất lún, việc xây dựng cầu cạn sẽ có lợi lâu dài đó là thu hồi đất ít hơn, không ngăn dòng chảy nước khi có lũ, không ảnh hưởng đến thủy lợi để tưới tiêu, môi trường sinh thái được đảm bảo hơn, không phải làm đường dân sinh, người dân có thể sinh hoạt dưới cầu cạn bình thường, đặc biệt là ít sử dụng các đất để san lấp mặt bằng, dễ kiểm soát khối lượng chất lượng, chủ động về tiến độ thi công.
14h37: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm sâu sắc đến việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giá cả thị trường, băn khoăn, lo lắng cho ngành và cho người nông dân, tuy nhiên các đại biểu chưa đề cập đến vấn đề liên quan đến quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu EC ngày 16/5/2023 có hiệu lực vào tháng 12/2024.
Đại biểu nêu rõ, theo quy định này, cà phê, cao su, gỗ và một số sản phẩm từ gỗ, vốn là ngành hàng chủ lực của Việt Nam, cùng hàng triệu người nông dân trong lĩnh vực sản xuất các nông sản này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quy định này đặt ra cho chúng ta một khối lượng công việc lớn, kéo theo đó là nguồn lực và thời gian thực hiện.
Đại biểu đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương sớm có giải pháp phù hợp để thích ứng với quy định này.
14h38: Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu tranh luận
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, về kinh phí chi cho thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề cập đến trong phiên cuối giờ sáng ngày hôm nay, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ khẳng định, với trách nhiệm của cơ quan Thường trực của Đoàn giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khẳng định đảm bảo số liệu được thể hiện trong Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát …
Đại biểu Đinh Công Sỹ cho biết, các số liệu này cũng đã được thống nhất tại các phiên làm việc với các Bộ, ngành và phiên làm việc với Chính phủ, không có ý kiến gì khác.
Đại biểu Đinh Công Sỹ xác nhận và khẳng định tính trung thực và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước việc tổng hợp số liệu báo cáo của Chính phủ để các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được biết.
14h40: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận
Tranh luận về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Đại biểu cũng đặt vấn đề nếu nay lại đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ sách giáo khoa nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, có những vấn đề về giá thì có thể để gia giải pháp để khắc phục như trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, mà không phải thay thế bằng cách có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Về chung cư mini, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định với hệ thống pháp luật hiện nay thì hoàn toàn có thể xử lý được nếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không đặt ra vấn đề sửa luật để hợp thức hóa các chung cư có dấu hiệu vi phạm.
14h43: Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tình hình kinh tế xã hội có những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Về giáo dục đại học, đại biểu phản ánh, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.
Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.
14h48: Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh
Phát biểu về vấn đề kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đại biểu, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác, điều phối, phân công rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở chuyên môn hóa cao, phù hợp với lợi thế so sánh của các địa phương và các tiểu vùng. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.
Bên cạnh kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, đại biểu cho rằng cần phát triển ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, đặc thù, đặc sắc theo từng khu vực, địa phương. ..
Cùng với đó, bên cạnh nâng cao năng lực phòng thủ, cần nâng cao năng lực kinh tế biển, năng lực kinh tế cho các huyện đảo.
Hiện nay kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, đại biểu cho rằng cần đầu tư đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối bờ, biển, đảo như cảng biển, sân bay, đường bộ, điện lưới thông tin liên lạc... Để làm được điều này, rất cần cơ chế đặc thù cho các huyện đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để ưu tiên nguồn lực đầu tư, bởi ngoài chức năng là một đơn vị hành chính, các huyện đảo còn liên quan đến vai trò là điểm xác lập đường cơ sở chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
14h53: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận về vấn đề hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp lý quy định về hội đồng trường hiện nay.
Đại biểu cho rằng, hội đồng trường chưa phát huy được vai trò trong đơn vi của mình, đôi khi còn tăng thêm thủ tục, tính rườm rà trong việc thực hiện. Các đại biểu cũng là lãnh đạo của các nhà trường có lẽ cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung về hội đồng trường trong thời qua.
Hội đồng trường hiện nay mới chỉ quy định trong các trường công, có tổ chức cơ sở Đảng, các hoạt động của nhà trường thì cần Nghị quyết của Đảng ủy. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, trước đây khi chưa có Hội đồng trường thì một số đề án, hoạt động trình thẳng cho UBND tỉnh cho ý kiến. Tuy nhiên, bây giờ phải qua hội đồng trường cho ý kiến mà phần lớn thành phần này lại trùng lắp với thành phần của Đảng ủy, của Hội đồng giáo dục và khoa học cũng như một số Hội đồng chuyên môn khác. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét lại tính hiệu quả của hội đồng trường hiện nay.
14h55: Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Chú trọng công tác bảo vệ trẻ em.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương quan tâm đến các giải pháp bảo vệ trẻ em, theo đó Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5 đến 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình năm 2020 chiếm 5,55%, đến năm 2022 chiếm đến 7,5%, đáng chú ý một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại chính do người thân, người có trách nhiệm chăm lo chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em gây ra.
Đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ một tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Vấn đề thứ hai được đại biểu Trần Thị Thanh Hương quan tâm là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nhà và đất công dôi dư. Thực hiện nghị quyết 74 Quốc hội khóa XV, thời gian vừa qua Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo và giao cho ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn thực hiện theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công, nhưng đến cuối tháng 8 năm 2023 vẫn còn đến 71.826 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án. Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng hiện tại vẫn còn nhiều trụ sở ở các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp chưa được bố trí sử dụng hiệu quả. Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí cải tạo sửa chữa cao, việc tổ chức thanh lý bán đấu giá còn chậm…
Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để có những giải pháp cụ thể, sát hợp hơn nữa với tình hình thực tế, nhằm nhanh chóng tháo gỡ tình trạng trụ sở các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí ảnh hưởng đến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng cường bảo vệ người dân trên không gian mạng, đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông và Bộ Công an tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn để ngăn chặn tốt hơn với nạn lừa đảo trên điện thoại, trên internet, mạng xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dùng.
15h00: Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Cần ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2023, Chính phủ đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vấn đề, vụ việc cụ thể, tháo gỡ, khơi thông nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ, cải cách hành chính chưa triệt để. Đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ các vấn đề, làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, nhìn nhận rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, từ đó rút ra những giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả.
Để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, giãn, khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí, đẩy mạnh sức mua trong nước và thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước.
Ngoài ra, về công tác cán bộ, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có các chính sách, giải pháp phù hợp, như gửi cán bộ không chuyên trách đi đào tạo, bồi dưỡng, tăng chế độ bồi dưỡng, tăng lương, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã để học yên tâm công tác.
15h06: Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tranh luận
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết này chưa đạt mục tiêu…
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, ý kiến này là đúng nhưng chưa đủ. Đại biểu đề nghị nên có một Kỳ họp bất thường để xem xét ban hành một gói hỗ trợ tương tự như là Nghị quyết 43 với những nội dung, liều lượng tăng hơn, ví dụ như miễn, giảm thuế, hỗ trợ người lao động mất việc làm, các chính sách cho vay hiệu quả… trong thời gian tới.
15h08: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tranh luận
Tranh luận về các ý kiến liên quan đến biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định rõ việc biên soạn một bộ sách giáo khoa là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu ngay từ đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nghị quyết 88 thì có lẽ tình hình đã khác bởi các quy định của Nghị quyết 88 bảo đảm cho việc ban hành, in ấn, phát hành và đảm bảo rẻ nhất đến tay học sinh.
Đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ, các ý kiến tranh luận đề cập đến con số chi phí phải bỏ ra nhưng lại quên đi chi phí lớn mà người dân phải chi trả cho sách giáo khoa. Đại biểu nêu rõ, trong các báo cáo sử dụng cụm từ “sức chống chịu của nền kinh tế”, mà chính là dựa vào sức dân. Nếu không có những chính sách trong những vấn đề cụ thể như vấn đề này thì sức chống chịu của người dân được đến bao giờ, đại biểu Nguyễn Công Long đặt vấn đề. Do đó, đề nghị cần cần kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội.
15h10: Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Đảm bảo chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay
Thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, những ngày qua, dư luận xôn xao về việc lạm thu trong các trường học. Là tỉnh khó khăn nhưng qua nghiên cứu, khảo sát, để chia sẻ khó khăn của người dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết miễn, giảm học phí cho năm học 2023 - 2024 cho học sinh đã được dư luận đồng tình. Trước đó, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành danh mục các khoản thu dành cho nhà trường với mức thu rõ ràng, phù hợp nên Quảng Bình hạn chế được tình trạng lạm thu.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng rõ cơ chế này nhưng dù phù hợp, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lẽ không giải quyết được việc tăng nguồn thu cho giáo dục sẽ xảy ra tình trạng "thấp chỗ này, phình chỗ kia". Chính sách ưu việt của việc miễn, giảm kéo dài thời gian tăng học phí sẽ không bù đắp nổi với những khoản chi phí phát sinh mà phụ huynh phải đánh giá.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu có lộ trình phù hợp để cân đối giữa mức tăng học phí và các quy định để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các cơ sở giáo dục và phụ huynh. Qua đó đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục công lập trong giai đoạn hiện nay....
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực giải quyết những khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 34 của Quốc hội.
Về vấn đề cháy, nổ, đại biểu nêu rõ, có thể nói chưa bao giờ được cả, xã hội quan tâm nhiều nhưng cũng chưa bao giờ tần suất các vụ cháy xảy ra nhiều, quy mô lớn và diện rộng như hiện nay. Hiểm họa từ cháy, nổ ở khắp nơi, từ công xưởng đến chung cư, nhà dân hay quán karaoke và cả trường học. Dù đã có nhiều hội nghị bàn giải pháp, nhiều ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra nhưng dường như đây là hệ quả của một quá trình dài. Việc phòng cháy, chữa cháy tiến hành không đồng bộ, thiếu tập chặt chẽ và buông lỏng quản lý.
Tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất, an toàn phòng cháy. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ hướng dẫn cho từng công trình cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi chưa có lời hối đáp.
Từ tháng 5 tới nay, liên tiếp các vụ cháy xảy ra trên khắp các tỉnh, thành với tính chất, quy mô, mức độ phức tạp đã khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng và lo lắng. Trước tình hình này, đại biểu bày tỏ nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn là dứt khoát không hợp thức hóa những sai phạm của chung cư mini trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo, xác định trách nhiệm xử lý cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo tính răn đe; chỉ đạo rà soát lại quy chuẩn, hoàn thiện quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp thực tiễn.
15h15: Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần rà soát việc đầu tư nguồn lực nhà nước trong xây dựng ứng dụng phục vụ chuyển đổi số
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định doanh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện, góp phần lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình kinh tế, xã hội của nước ta, điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay tồn tại quá nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân, nh: VnID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử… Các hình thức triển khai có thể là giới thiệu, khuyến khích, bắt buộc người dân tham gia. Vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng, nên quá trình tương tác, hướng dẫn ít nhiều gây phiền hà cho người dân, gây tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng. Một số phần mềm, ứng dụng vận hành không tốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Cần đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.
Ngoài ra, việc có quá nhiều phần mềm triển khai đến người dân khiến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin công dân như địa chỉ, số điện thoại, nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
15h19: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: báo cáo của các bộ ngành, của các địa phương, tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ; đã ghi âm, ghi chép các kiến nghị và được chắt lọc đưa vào báo cáo kết quả rà soát… Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Về kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật cơ bản là đáp ứng cái yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật. Mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng có nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, các kiến nghị có phần chưa chính xác. Ví dụ kiến nghị liên quan đến quy định về nhóm dự án thành phần theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 99 năm 2021 về quản lý thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Ý kiến chuyên gia cho rằng cần phải tính toán thêm xem có chính xác hay không; tuy nhiên cũng có những vấn đề thuộc về quan điểm và chính sách khi chúng ta xử lý các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Ví dụ, có những cái đề xuất phải sửa đổi bổ sung cái khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm, tuy nhiên, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề chính sách và Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ khi mà xem xét để biểu quyết thông qua, với tư duy nếu phân cấp xuống đến cấp xã như đề xuất có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư…
Thay mặt tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định của mình là giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đối với kiến nghị khác của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, tăng cường năng lực Tổ công tác sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của quyền hạn của mình.
15h29: Nghỉ giải lao (20 phút)
15h53: Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tranh luận
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước thừa tiền, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn…
Đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải giải pháp cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ nếu tổ chức Quốc hội cho phép thì phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng, giảm các cái điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.
15h54: Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: Công tác đối ngoại đóng góp nhiều thành quả quan trọng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết bức tranh kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 có nhiều khởi sắc, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Trong thành tựu đó, công tác đối ngoại có nhiều đóng góp trực tiếp, đạt nhiều thành quả quan trọng.
Công tác đối ngoại tạo vận hội, thời cơ mới để phát triển đất nước, nhiều hoạt động triển khai mang tính lịch sử, toàn diện, đưa quan hệ nước ta với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tin cậy chính trị ở mức cao. Trong năm 2023, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao đã triển khai các chương trình đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất chu đáo và thành công. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp. Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã đánh giá, kết quả Hội nghị vượt xa kỳ vọng, phá nhiều kỷ lục, ghi nhận số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất trong các kỳ Hội nghị.
Công tác đối ngoại đóng góp hiệu quả vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào thúc đẩy hợp tác thực chất với các đối tác với hơn 150 văn kiện hợp tác kí kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả nguồn lực bên ngoài vào phục hồi kinh tế - xã hội, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và địa phương, kết nối mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, đầu tư, lao động, du lịch, khoa học công nghệ…
Do đó, số dự án đầu tư mới tăng mạnh phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đại biểu cho rằng, đây là động lực rất lớn đóng góp cho tăng trưởng không chỉ năm nay mà còn cho các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, công tác đối ngoại còn góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, tham gia đóng góp hiệu quả hơn cho các quan tâm của quốc tế và khu vực.
15h59: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để phát triển bền vững
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao sự quyết liệt, phản ứng chính sách nhanh của Chính phủ trong điều hành kinh tế, thực hiện các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Đại biểu cho rằng, để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng suất lao động. Đây là vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu không tạo được năng suất lao động đột phá trong 3 đến 5 năm tới, Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực.
Tuy nhiên, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu quan trọng này không đạt được mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 – 2025. Với tầm quan trong và tính cấp bách của việc nâng cao năng suất lao động, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
16h04: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tranh luận
Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề chương trình sách giáo khoa hiện nay. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình về việc ban hành nhiều bộ sách giáo khoa và cũng nhiều đại biểu đồng tình với việc ban hành một bộ sách giáo khoa.
Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với việc ban hành một bộ sách giáo khoa như đề xuất của Đoàn giám sát. Bởi, Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, Nghị quyết 88 cho phép xã hội hoá các tổ chức được tham gia biên soạn. Trước nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo không nên biên soạn, không được làm, đại biểu đặt vấn đề như vậy có đúng quan điểm Nhà nước chăm lo cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu không? Có đúng nguyên tắc nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong xã hội hoá giáo dục không?
Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, nên giáo dục phải được thống nhất ở các bậc học. Do đó, đại biểu đề nghị cần ban hành một bộ sách giáo khoa chung.
16h05: Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tranh luận
Đồng tình với ý kiến cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa nhưng đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần xem xét kĩ và có cách làm khác đối với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Đại biểu nêu rõ, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Theo đó, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023/QH15 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ ta an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, thực tế luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Do đó, cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Đại biểu cho rằng điều này sẽ đáp ứng yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất tiềm lực phát triển đất nước.
16h08: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn cho những đổi mới trong ngành giáo dục
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục, nhất là khi nửa thời gian nhiệm kỳ vừa qua chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại đối với việc thực hiện một số mục tiêu về chất cũng như về lượng trong lĩnh vực giáo dục mà kế hoạch 5 năm đề ra.
Đại diện cho cử tri là các công nhân lao động, đại biểu phản ánh, việc đổi mới chương trình học gắn với triển khai dạy tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông trên thế giới, nhưng với chúng ta chỉ là đang bắt đầu, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ chuyên môn của giáo viên.
Theo đại biểu, giáo viên cần được đào tạo ngay từ trường đại học, trang bị kiến thức theo xu hướng giáo dục mới một cách chính quy để có đủ năng lực, kiến thức nền chuẩn để truyền thụ cho học sinh. Trong khi đó, đa phần giáo viên hiện nay mới được tập huấn, đào tạo trong các lớp ngắn hạn, việc này gây áp lực lớn cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Về phân ban chương trình giáo dục bậc phổ thông trung học, đại biểu cho biết, chưa có sự đồng bộ trong xây dựng giữa các bộ môn khi cho học sinh chọn phân ban, chọn tổ hợp. Việc phân ban, tổ hợp giữa các trường, các địa phương cũng không đồng đều ở các trường, các địa phương. Đối với học sinh là con công nhân, thường xuyên phải chuyển nơi ở, chuyển trường do điều kiện kinh tế, việc làm của cha mẹ không ổn định, việc theo học và theo kịp chương trình học của con em lao động là tương đối khó khăn. Đại biểu đề nghị cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.
16h13: Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Thay đổi cách tiếp cận tài nguyên nước.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao dẫn lời của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Sứ mệnh quốc gia của đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng nhưng vì sao đến bây giờ người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn nghèo tiền rất xa so với bình quân của cả nước?”
Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tự hào vì đã góp phần đóng góp đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, khi đóng góp 56% sản lượng lương thực và 95% lượng gạo xuất khẩu trong điều kiện là nguồn vốn phân bổ khiêm tốn; vùng này vẫn là vùng trũng về giáo dục về y tế và thêm một mối lo hàng ngày phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 120 phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó đã xác định con người là trung tâm và tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nhưng việc phát triển ở khu vực này chưa đạt như mong muốn.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao lo ngại nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt, đến năm 2020, lượng phù sa giảm 67% và dự báo đến năm 2040 lượng phù sa giảm 97%. Lượng nước và phù sa giảm kéo theo kinh tế ngư nghiệp giảm, dự báo mất đi 120 đến 205 triệu đô la/năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông bờ biển và đe dọa đến tài sản tính mạng của người dân.
Đại biểu phân tích nguyên nhân an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng, đó là biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên; sự phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và công tác quản lý nguồn nước của chúng ta thiếu tính chiến lược và hiệu quả chưa cao.
Vì vây, tại phiên họp này, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục thúc đẩy các đối thoại chính sách cấp cao về an ninh nguồn nước giữa các nước trong khu vực; thay đổi chiến lược cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo hướng thích ứng chủ động trong bối cảnh bất ổn xã hội, bất ổn biên giới nhất là khu vực biên giới Tây Nam; sớm phân bổ vốn kịp thời theo Quyết định số 1162 ngày 8 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ, tức là bổ sung nguồn vốn dự phòng khoảng 4.000 tỷ đồng trong nguồn ngân sách trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đồng thời chính quyền địa phương kết hợp với các bộ ngành chức năng tăng cường năng lực dự báo và năng lực đánh giá quản lý bảo vệ tài nguyên nước cho cán bộ phụ trách và tăng cường ý thức của người dân bảo vệ tài nguyên nước.
16h19: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận về vấn đề hội đồng trường của các trường đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, theo Luật Giáo dục đại học 2018, hội đồng trường đại học là một thành phần, cơ cấu đương nhiên của các trường đại học. Thực tế hiện nay, các trường đại học khối quốc phòng, an ninh không thành lập Hội đồng trường, Hội đồng trường của hai đại học Quốc gia thì Chủ tịch Hội đồng Đại học là Giám đốc Đại học, kiêm Bí thư Đảng ủy, điều này không đúng với quy định của luật hiện hành.
Đồng tình với nhiều phân tích của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với hội đồng trường có chồng lấn, gây khó khăn cho nhà trường trong việc triển khai. Đây là vấn đề lớn, đại biểu bày tỏ quan điểm cần phải thượng tôn pháp luật, nếu thực tế cho thấy bất cập thì Chính phủ cần trình đề xuất phương án sửa đổi luật, hoặc trong thời gian chờ sửa luật phải có Nghị quyết để các trường đại học khối quốc phòng, an ninh không thành lập Hội đồng trường, hoặc để cho phép Giám đốc Đại học Quốc gia đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Đại học, để các trường yên tâm triển khai công việc của mình, đảm bảo việc thượng tôn pháp luật, tránh những rắc rối pháp lý có thể xảy ra.
16h21: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tranh luận
Phát biểu ý kiến tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã gắn chặt với thực tiễn, thể hiện quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước là xác định hoàn thiện thể chế là khâu đột phá chiến lược…
Đại biểu cho rằng, cuộc sống thay đổi thì chính sách và pháp luật phải thay đổi và phải được cuộc sống chứng minh là đúng và được cuộc sống chấp nhận. Và khi cuộc sống đã chấp nhận thì chúng phải tiến hành những cái hoạt động rà soát thường xuyên như lần này.
16h23: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Đầu tư cho bảo trì, sửa chữa, chống xuống cấp công trình thủy lợi
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý về vấn đề đầu tư, bảo trì, sửa chữa, chống xuống cấp cho công trình thủy lợi và nâng cao đời sống cho người lao động lĩnh vực thủy nông.
Thời gian qua, hệ thống hạ tầng thủy lợi đã được quan tâm đầu tư đồng bộ với khoảng 86.200 công trình, cả nước hiện có 98 công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước ổn định cho khoảng 7,3 triệu ha lúa, khoảng 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6,3 tỉ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, giúp ngăn mặn, cải tạo chua phèn, tiêu tưới, phục vụ nông nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn, quy trình ban hành giá phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của công trình thủy lợi, lao động làm việc trong lĩnh vực thủy nông gặp nhiều khó khăn do lương thấp…
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trong dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 lên khoảng 1,4 lần và có lộ trình từng năm, đảm bảo phù hợp với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm cho công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình, nhất là các hồ chứa xuống cấp trầm trọng.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu, sửa đổi ngay Nghị định số 96/2018 hướng dẫn thi hành Luật Giá năm 2023 theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, phù hợp với đặc thù của ngành thủy lợi; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2019 theo hướng đơn giản hóa thủ tục giao và thanh toán hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, có chính sách đảm bảo mức lương, chế độ khen thưởng, phúc lợi phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động thủy nông để họ thực sự yên tâm công tác.
16h28: Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Qua thực tiễn địa phương và xem xét các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục lãnh đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật hướng dẫn thực thi pháp luật, nhất là trên lĩnh vực kinh tế để nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh những bất cập, chồng chéo làm gia tăng thời gian phát sinh thủ tục và chi phí không chính thức trên các lĩnh vực đầu tư tín dụng, đất đai, bất động sản, nhà ở xã hội cũng như xây dựng, quy hoạch để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời tập trung lãnh đạo tháo gỡ nút thắt nóng có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động gỡ khó cho doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế suất giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; khuyến khích xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách …
Về công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho biết trong thời gian qua sau khi sắp xếp quy mô của một số ấp khóm, khu thôn, tổ dân phố được mở rộng hơn rất nhiều, cả về quy mô và diện tích nên công tác của những người hoạt động không chuyên trách tại ấp, khóm khô, thôn tổ dân phố gặp rất nhiều khó khăn, áp lực lớn và nảy sinh nhiều vướng mắc.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung, đánh giá sát sao về vấn đề này. Kịp thời chấn chỉnh, bất cập, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản chỉ đạo cũng như có chủ trương phù hợp, thống nhất chính sách đãi ngộ cán bộ, nhất là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.
Trong công tác quản lý trật tự xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng cần thiết phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống cháy nổ bằng những quy định mới về tiêu chuẩn tiêu chí phòng cháy, chữa cháy phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo tính khả thi. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp truyền thông, giáo dục. nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.
16h33: Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tranh luận
Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu cho rằng còn nhiều vấn đề trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Dẫn chứng một trường hợp khiếu kiện về oan sai, đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết, những năm qua và ngay tại Kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận được đơn kiến nghị, Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng có những yêu cầu giải quyết theo Nghị quyết 388.
Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, có đề xuất tòa án được quyền ra văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong xét xử, nhưng một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để việc áp dụng pháp luật đảm bảo công bằng, minh bạch, nhận được sự tin tưởng của nhân dân.
16h36: Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tranh luận.
Tranh luận về ý kiến liên quan đến việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, Nghị quyết 88 Quốc hội giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một sách giáo khoa mới và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đại biểu, chúng ta thực hiện lộ trình giáo dục trong 2018 đến năm sau 2024-2025 sẽ kết thúc, vì vậy mong muốn Bộ nghiêm túc đánh giá, xây dựng, rà soát lại các bộ sách giáo khoa.
Về việc Bộ Giáo dục chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa, đối với các môn khoa học tự nhiên không cần thiết biên soạn một bộ sách của Bộ, vì đây là tri thức chân lý của nhân loại. Riêng với các bộ môn khoa học xã hội hay sách tiếng dân tộc cần biên soạn, định hướng tư tưởng giá trị đạo đức cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc.
16h38: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các ý kiến đa dạng sâu sắc của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh làm rõ thêm nhiều khó khăn thách thức, đề xuất gợi mở nhiều vấn đề giá trị để Chính phủ tiếp thu.
Làm rõ vấn đề tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình thế giới khó khăn, nhiều diễn biến nhanh, khó lường, kinh tế trong nước độ mở lớn, tính chống chịu, tự chủ còn hạn chế, đang chuyển đổi nên chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Kết quả đạt dược chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn rất đáng trân trọng và tích cực. So với các nước láng giềng cho thấy kết quả nước ta đạt được là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị.
Thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, ngoài giải pháp ngắn hạn, Chính phủ tập trung cho giải pháp dài hạn căn cơ. Vừa qua có những dấu hiệu tích cực trong xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, thu hút FDI…
Liên quan đến Nghị quyết 43, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Nghị quyết 43 là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Một số chính sách của Nghị quyết 43 thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động đã phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài ra còn dành hơn 50% nguồn lực của Chương trình cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội với những dự án quan trọng, dự án trọng điểm mang tính chiến lược của quốc gia đến nay cũng đang triển khai tích cực.
Tuy nhiên, một số chính sách chưa đạt được kết quả như mong muốn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay vì do đơn hàng do tình hình sản xuất; một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện. Ngoài ra, do thiết kế chương trình với quy định các những dự án có khả năng phục hồi, quy định này khiếu cho đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay đều rất lo ngại về việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, Chính phủ trình với Quốc hội cho phép thực hiện tiếp Chương trình này đến hết năm 2023 và nếu không đạt thì sẽ hủy dự toán.
Về năng suất lao động không đạt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ nguyên nhân là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi, chậm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực; khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của đặt ra. Ngoài ra, riêng năm 2023 còn có lý do là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu. Sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phận lao động di chuyển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một đề án về chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
16h47: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau 1,5 ngày thảo luận tại Hội trường, đã có 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, còn 92 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến về Ban Thư ký để kịp thời tổng hợp. Có 05 Bộ trưởng đã tham gia phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, vượt khả năng dự báo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển, tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bảo ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên nền kinh tế nước ta đã đứng vững, từng bước phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Tuy nhiên, năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trước mắt cũng như kiên định các mục tiêu dài hạn, yêu cầu phát triển bền vững để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tác động năng lực tăng trưởng, các động lực tăng trưởng chính gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn, điều hành hợp lý giá, lãi suất, kiểm soát hợp lý chất lượng tín dụng.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề trách nhiệm, tinh thần, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các Bộ trưởng đã tham gia phát biểu về một số vấn đề nổi lên của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tuy nhiên, do thời gian có hạn, chưa thể trả lời đầy đủ các vấn đề mà các đại biểu đã nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục trả lời, giải trình tại phiên chất vấn tới đây của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của các Nghị quyết của Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua. Phiên thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội năm 2023 dự kiến cho năm 2024, kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế kết thúc tại đây.