TIẾP THU, GIẢI TRÌNH DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): NHIỀU CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG CHƯA THIẾT KẾ ĐƯỢC PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU

03/11/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo báo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 03/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Đất dai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; gửi Công văn lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến các Bộ, ngành về một số nội dung cụ thể… để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngày 29/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26. Hồ sơ dự thảo Luật được xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, cơ quan, tổ chức. Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã: bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều. Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất; các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo báo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ nhận định, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý. Tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan. Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Cụ thể hóa theo đúng nội dung, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Giải trình những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, bổ sung tại Chương IV dự thảo Luật quy định cụ thể về thống kê, kiểm kê đất đai để xác định cụ thể về diện tích, loại đất, đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng; quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung của hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất đai để lượng hóa đất đai; đồng thời, quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu đất đai và trách nhiệm tổ chức triển khai; bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) … Những nội dung thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, những nội dung chưa rõ, chưa được đề cập tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đang được xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

Đối với những nội dung chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật như Chính phủ báo cáo tại Tờ trình số 276/TTr-CP ngày 29/5/2023 về dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy:

Một số nội dung đã được Chính phủ nghiên cứu, thể chế hóa tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 theo Tờ trình số 150/TTr-CP ngày 26/4/2023 và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số nội dung khác về quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách nhà nước; rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Trong đó, đã nêu nội dung rà soát, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, các Luật thuế có liên quan đến đất đai; liên quan đến các luật này, Kế hoạch số 81-KH/UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã nêu rõ nhiệm vụ lập pháp do Chính phủ thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoàn thành rà soát trước ngày 30/6/2022 và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2023 - 2025.

Tại Thông báo số 2842/TB-TTKQH ngày 04/10/2023 về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hộ đã đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đề xuất xây dựng pháp luật để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới hình thành hệ thống pháp luật về đất đai thực sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật và các quy định khác dưới luật để khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ giải quyết được thỏa đáng các vấn đề thực tiễn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chỉ đạo các cơ quan rà soát tổng thể để bảo đảm tốt nhất tính hợp lý của các quy định tại dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới luật theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa theo đúng nội dung, tinh thần chính sách đã được thể hiện thành các quy định của Luật và theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW; chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện thực tế để bảo đảm cho các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự đi vào vào cuộc sống.

Giải trình, tiếp thu đầy đủ các nội dung có 01 phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung có 01 phương án. Trong đó, về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79). Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”. 

Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Đối với quy định về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 29/8/2023, Chính phủ có Báo cáo số 411/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14. Đến ngày 23/10/2023, dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP bổ sung đối tượng “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” để phù hợp với thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) sau khi thực hiện thủ tục công nhận lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 03/2022/QH15 và Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN thì không được công nhận lại là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN mà là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN trong khi thực tế đang quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn; cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ QPAN, cơ quan có thẩm quyền phê quyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội các nội dung có 02 phương án, 03 phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có 02 phương án và xin ý kiến Quốc hội về các nội dung: về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V); Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện; Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến về các quy định có 02 phương án về: Thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII); Về Quỹ phát triển đất; Về Tổ chức phát triển quỹ đất; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đang có quyền sử dụng đất; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội; Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền; Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng; Về hoạt động lấn biển; Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…

Lan Hương