NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI SÔI NỔI TRANH LUẬN TÌM GIẢI PHÁP THU HÚT NGUỒN LỰC CHO CÁC DỰ ÁN PPP

07/11/2023

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giải pháp cho tình trạng khó thu hút nhà đầu tư vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Phiên chất vấn trở nên sôi nổi với các lượt tranh luận của các đại biểu về các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra, gắn với việc tại kỳ họp này Chính phủ đang trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc đầu tư các dự án giao thông đường bộ.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Nhận diện những vướng mắc trong thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP

Trước đó, nêu câu hỏi trong phiên chất vấn chiều 06/11, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 với phương châm tập trung phát triển hạ tầng, hoàn thiện, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, liên kết vùng và địa phương, thời gian qua, các công trình dự án lớn với phương thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập. Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế thì có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng, chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 đến 15 năm. Trong khi khả năng thu hồi vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 năm tới 30 năm đối với từng dự án PPP. Vấn đề này đặt ra phải có cơ chế và giải pháp đối với từng dự án trọng điểm quốc gia và vùng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có giải pháp khả thi gì nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu câu hỏi trong phiên chất vấn chiều 06/11

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi Luật PPP được ban hành việc thu hút các dự án PPP chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.

Lý giải việc không thu hút được các doanh nghiệp để thực hiện các dự án theo hình thức PPP trong lĩnh vực giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết về khách quan, do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, do vậy nhiều doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao nhưng có nhiều vấn đề rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hiệu quả các dự án. Hiện nay các nhà đầu tư thu hồi vốn trên cơ sở lưu lượng xe nhưng lại phân bố không đồng đều nên đây cũng là một yếu tố bất lợi đối với nhà đầu tư.

Cùng với đó, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn, tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%, nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, cho nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, một vấn đề rất lớn mà các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đều rất quan ngại, đó là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Thường thì các dự án PPP của các nước bao giờ cũng tách ra phần giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia PPP tập trung vào việc triển khai dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

Nhận diện thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách, điều chỉnh các quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay trong Kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đã trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó có những tháo gỡ để nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư lên ở mức cao hơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP. Đại biểu chỉ rõ, các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại Luật PPP, khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.  

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu tranh luận trong phiên chất vấn sáng ngày 07/11

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, sau khi ban hành Luật PPP, đầu tư hạ tầng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án PPP. Hiện nay, cả nước có 5,2 triệu ô tô, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm xấp xỉ 50%, do phân bổ không đồng đều, nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều dự án từ những năm 2016 hiện nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.

Về giải pháp, Bộ Giao thông vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội. Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn Nhà nước. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định. Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.  

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, đầy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí. 

Cần sớm sửa đổi Luật PPP

Tiếp tục phát biểu tranh luận liên quan đến phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP của ngành giao thông, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng cần căn cứ tính chất dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỉ lệ % vốn Nhà nước. Đặc biệt là vốn của nhà nước vào các dự án ở những vùng khó khăn, vùng xa xôi mà cần phải phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo phương thức này.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu tranh luận trong phiên chất vấn sáng ngày 07/11

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết thêm hiện nay việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các dự án PPP giao thông rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu có thể tăng được vốn của Nhà nước, thậm chí 85- 90%, khi đó chỉ cần vốn đầu tư của tư nhân, nhà đầu tư vào 10-15% vẫn có khả năng hoàn thành được dự án một cách tốt nhất, không nhất thiết phải có vốn tín dụng của ngân hàng.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ cần phải đề xuất với Quốc hội về việc sửa đổi Luật PPP để đàm phán, phù hợp với thực tiễn hơn, bởi không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà các dự án PPP trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và nhiều ngành khác cũng đang bế tắc. Nếu có sự thay đổi sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng phương thức PPP.

Đồng tình với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng làm rõ thêm về vấn đề tỷ lệ Nhà nước tham gia vào dự án PPP, theo thông lệ quốc tế hiện nay các nước về cơ bản không có ấn định mức mà là tùy tính chất, tùy phương án tài chính của từng dự án để ngân sách Nhà nước tham gia nhiều hay ít, miễn là đảm bảo làm sao đạt được lợi ích của nhà đầu tư, đảm bảo làm sao công trình dự án đấy thu hút được nhà đầu tư và hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị đề xuất để sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới để đảm bảo triển khai thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các doanh nghiệp PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông./.

Bảo Yến