QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ KỊP THỜI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

08/11/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc ban hành nghị quyết này nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 27/10: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Theo dõi nội dung tại Kỳ họp Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải kinh tế, Đại học Giao thông vận tải nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, khả thi cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế-xã hội.

Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành (như tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, huy động nguồn lực, nguồn cung cấp nguyên vật liệu…) là hết sức cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay, nhằm đạt được mục tiêu hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc; tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải kinh tế, Đại học Giao thông vận tải

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái đã phân tích một số chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất, như: Chính sách 1 về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; Chính sách số 2 về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương; Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Chính sách số 5, về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

ối với đề xuất chính sách đặc thù về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết, khoản 2 Điều 69 Luật PPP quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, có một số dự án đang chuẩn bị đầu tư triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao; có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng đúng tỷ lệ này, các dự án PPP sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. 

Theo đề xuất của Chính phủ, vốn Nhà nước tại dự án giao thông đường bộ gồm (quốc lộ và cao tốc) được đề xuất "nới" tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức là tăng 20% so với quy định hiện nay. PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng, đề xuất này là hợp lý và phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiên nay, vấn đề này tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với TP. Hồ Chí Minh

Chính phủ cũng đề xuất chính sách đặc thù  về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. Chính sách này áp dụng cho 07 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước.

Một trong những chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. 

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết, quy định hiện hành không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc vì đây là nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương. Do đó, khi trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm, với cơ chế đặc thù này, từ trung ương đến địa phương sẽ có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ; phân định rõ trách nhiệm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; kết nối đồng bộ với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, chủ đầu tư phải đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng triển khai nhanh nhất, tốt nhất các phần việc có liên quan từ chuẩn bi dự án, giải phóng mặt bằng, thi công, chất lượng, tiến độ hoàn thành… và tăng cường trách nhiệm phối hợp các bên có liên quan. Vì vậy, cần thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong huy động, sử dụng nguồn lực ở Trung ương và địa phương khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng. Đồng thời, quy định rõ điều kiện và khoảng cách đấu nối; nên chăng mỗi tỉnh có một điểm đấu nối vào một điểm đấu nối ra đường cao tốc, Quốc lộ đi qua, để đảm bảo an toàn, tốc độ khai thác tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên họp chiều 27/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cũng đồng tình với đề xuất chính sách đặc thù đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các địa phương và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án. Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắk Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều dự án đang triển khai thiếu vật liệu, giá bị đẩy lên cao, nhằm tháo gỡ nút thắt về nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc, Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ rút ngắn thời gian trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nếu cơ chế đặc thù này được thông qua sẽ đáp ứng kịp thời nguồn cung cấp vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá; Đồng thời góp phần ổn định giá vật liệu xây dựng thông thường, hạn chế việc tăng chi phí xây dựng công trình.

Về đề xuất cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng các chính sách do Chính phủ đề xuất cần được áp dụng cho các dự án cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các dự án này, tránh để thất thoát, kém hiệu quả hoặc dự án kéo dài. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về chế tài xử lý với những địa phương không thực hiện đúng cam kết, nội dung được ủy quyền...

Lan Hương