LỒNG GHÉP QUYỀN CON NGƯỜI TRONG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CHO SINH VIÊN

11/11/2023

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có giải pháp cụ thể về lồng ghép quyền con người trong giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cho sinh viên.

Nghiên cứu về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giảng viên Khoa Chính trị - Luật, trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, sau Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” đã có rất nhiều các văn bản quy định về công tác phổ biến giáo dục pháp luật được ban hành và đưa vào thực hiện trong đời sống. Trong đó có thể kể đến các văn bản như: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021; Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Quyết định số 3957/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021”.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thực hiện các văn bản trên, các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc đã đưa giáo dục pháp luật (GDPL) trong đó có GDPL về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) cho sinh viên vào nội dung GDPL trong nhà trường và đạt được những kết quả đáng kể.

Thứ nhất, về nội dung GDPL về TTATGTĐB đã được các cơ sở giáo dục đại học chú trọng,tập trung vào hai mảng cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các quy tắc đạo đức, ý thức khi tham gia giao thông đường bộ. Các nội dung này được đưa vào chương trình GDPL chính khóa và chương trình GDPL ngoại khóa. Chương trình giáo dục pháp luật chính khóa được thực hiện thông qua học phần Pháp luật đại cương hoặc các học phần liên quan đến pháp luật. Có thể nói, chương trình Pháp luật đại cương đã bao quát những nội dung cơ bản, cần thiết của kiến thức về nhà nước và pháp luật nói chung. Bên cạnh chương trình chính khóa, nhiều cơ sở đào tạo đã quan tâm đến việc thực hiện các hoạt động giáo dục pháp luật về TTATGTĐB thông qua hoạt động ngoại khóa như tổ chức thảo luận, tọa đàm về các nội dung pháp luật về TTATGTĐB; tổ chức nghe, nói chuyện chuyên đề, xem phim, xem tiểu phẩm; tổ chức đi thực tế; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về TTATGTĐB, thi văn nghệ với chủ đề pháp luật về TTATGTĐB, tổ chức giao lưu giữa các trường, các khoa, các lớp; thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGTĐB trong cộng đồng; tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn TTATGTĐB...

Thứ hai, trong hoạt động GDPL về TTATGTĐB đã áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, nhằm chuyển dần trạng thái từ truyền thụ một chiều sang phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên. Việc đưa những tình huống pháp luật cụ thể vào bài giảng đã giúp sinh viên hứng thú nghe giảng, từ đó nâng cao hiệu quả GDPL về TTATGTĐB. Như vậy, với sự đổi mới về nội dung và hình thức, phương pháp trong giảng dạy các hoạt động GDPL về TTATGTĐB cho sinh viên đã mang lại hiệu ứng tích cực trong việc thu hút được nhiều sinh viên tham gia, đồng thời tạo ra sức lan tỏa tốt góp phần nâng cao ý thức pháp luật về TTATGTĐB và ý thức pháp luật nói chung trong sinh viên.

Bên cạnh những mặt tích cực đó, hoạt động GDPL về TTATGTĐB cho sinh viên trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, chương trình, nội dung GDPL về TTATGTĐB chưa đảm bảo về mặt thời gian. Bởi lượng kiến thức của hoạt động này lớn,yêu cầu phải truyền đạt và tiếp thu kiến thức với độ chính xác cao, đặc biệt là các nội dung pháp luật thực định, trong khi đó nội dung này chủ yếu được giảng dạy ở hoạt động chính khóa với thời lượng của chương trình chỉ có 30 tiết/giờ tín chỉ. Điều này gây khó khăn trong việc lồng ghép các nội dung cần thiết trong đó có nội dung GDPL về TTATGTĐB vào chương trình học hoặc có lồng ghép cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, hoạt động GDPL ngoại khóa cho sinh viên không được tổ chức thường xuyên làm cho hoạt động GDPL về TTATGTĐB khó hiệu quả.

Thứ hai, hình thức, phương pháp GDPL về TTATGTĐB nhất là trong các hoạt động giảng dạy chính khóa trong các trường đại học còn một số hạn chế, chưa phù hợp, chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức pháp luật với việc hình thành kỹ năng, hành vi và thói quen pháp luật cũng như kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của sinh viên. Mặc dù, trong thời gian qua phương pháp GDPL về TTATGTĐB cho sinh viên trong các cơ sở đào tạo đã có sự thay đổi song chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, truyền thụ một chiều, thụ động, còn các phương pháp giảng dạy tương tác hai chiều kiểu thảo luận, tranh luận nêu các tình huống pháp luật thực tế còn ít được vận dụng.

TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng, nội dung lồng ghép quyền con người trong giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cho sinh viên trong thời gian tới cần bám sát những vấn đề sau. Cụ thể, giáo dục pháp luật về TTATGTĐB ngoài việc tập trung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các quy tắc đạo đức, ý thức khi tham gia giao thông đường bộ, cần chú ý đến vấn đề quyền con người trong lĩnh vực TTATGTĐB. Bởi việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong pháp luật về TTATGTĐB là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, các nguyên tắc, quy định về quyền con người trong Hiến pháp để cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể trong Luật an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) hiện hành cũng như dự thảo Luật TTATGTĐB. Qua đó, khẳng định vai trò của pháp luật về TTATGTĐB đối với bảo đảm quyền tự do đi lại - một quyền quan trọng đối với mỗi cá nhân.

Việc lồng ghép quyền con người trong giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cho sinh viên bao gồm các nội dung sau:

Một là, bảo đảm quyền con người trong các quy định pháp luật về TTATGTĐB phải gắn liền với trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đảm bảo TTATGTĐB. Pháp luật Việt Nam quy định lực lượng Cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng là chủ thể có trách nhiệm trong bảo đảm TTATGTĐB. Tuy nhiên, các lực lượng này chỉ được thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền được xác định. Việc đưa ra các quy định cụ thể của pháp luật về thẩm quyền của các cơ quan chức năng chính là công cụ nhằm hạn chế tình trạng vi phạm quyền con người trong đảm bảo TTATGTĐB từ phía các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước.

Bên cạnh việc quy định thẩm quyền của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong đảm bảo TTATGTĐB, pháp luật cũng đã có các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể này, đặc biệt là quy định các hành vi bị cấm từ phía cơ quan nhà nước nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGTĐB. Theo đó, người tham gia giao thông có quyền phát hiện, góp ý thậm chí khiếu nại, tố cáo đối với các việc làm sai trái từ phía cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGTĐB.

Hai là, bảo đảm quyền con người trong các quy định pháp luật về TTATGTĐB phải trên cơ sở xác định các quyền của chủ thể tham gia giao thông được hưởng theo quy định của pháp luật như quyền tự do đi lại, quyền được đảm bảo an toàn trong giao thông... Tuy nhiên để được hưởng các quyền này, chủ thể tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ tương ứng, cụ thể: Quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Đây là quyền quan trọng nhất của người tham gia giao thông. Pháp luật quy định mọi người có quyền được tham gia giao thông trong điều kiện an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Song theo thống kê của Bộ Công An, năm 2022, toàn quốc xảy ra 11.450 vụ, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, giảm 36 vụ (-0,31%); tăng 596 người chết (+10,30%); giảm 214 người bị thương (-2,67%)8. Con số thống kê này cho thấy số vụ tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng số người chết tăng lên rất nhiều, số người bị thương giảm không đáng kể.

Ba là, mục tiêu của việc lồng ghép quyền con người vào GDPL về TTANGTĐB là nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông, vi phạm giao thông, vi phạm quyền của người tham gia giao thông. Bằng các quy định về điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông, điều kiện của người tham gia giao thông và các quy tắc giao thông, Luật ATGTĐB đã tạo cơ sở pháp lý cho người tham gia giao thông thực hiện các quyền của mình. Có thể khẳng định, các quy định pháp luật về TTATGTĐB là phương tiện hữu hiệu để phòng ngừa các vi phạm TTATGTĐB từ phía người tham gia giao thông. Theo đó, người tham gia giao thông cũng có quyền giám sát, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGTĐB từ phía các chủ thể khác khi tham gia GTĐB thông qua việc lên án bằng dư luận, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGTĐB. Việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về TTATGTĐB của người tham gia giao thông không chỉ là thực hiện nghĩa vụ của cá nhân mà còn là việc cụ thể hóa các quyền con người khi tham gia giao thông.

TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh, thông qua việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGTĐB, các chủ thể tham gia giao thông không chỉ đáp ứng được các yêu cầu lợi ích chung của cộng đồng mà còn là tự đảm bảo quyền cá nhân trong lĩnh vực giao thông. Tóm lại, việc lồng ghép quyền con người trong lĩnh vực TTATGTĐB cho sinh viên nói riêng và cho người dân nói chung sẽ giúp nhằm nâng cao ý thức pháp luật, trình độ văn hóa pháp lý của người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Hồ Hương