HỘI THẢO THỰC TIỄN CƠ CHẾ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

25/11/2023

Sáng 25/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học tổ chức Hội thảo: “Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”.

ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT CỦA HĐND ĐẢM BẢO THỰC CHẤT, HƯỚNG ĐẾN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KT-XH ĐỊA PHƯƠNG

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chủ trì hội thảo có Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lê Thị Thu Hương. Tham gia hội thảo có: Đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy bản của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng lãnh đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh Hải Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Hà Nam; Tp. Đà Nẵng và các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, giám sát là chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, thu được nhiều kết quả quan trọng, đưa công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong tiến trình hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp như việc giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn rất hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên; hoạt động giải trình tại các phiên họp của thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân chưa nhiều, kết quả hoạt động chưa đồng đều; … Vì vậy, hoàn thiện pháp luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hội đồng nhân dân có thể triển khai, tổ chức các hình thức giám sát khác nhau nhằm thực hiện tốt và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Các vị đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiến hành tham luận, thảo luận làm rõ thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật của hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Từ đó, đưa ra giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về nội dung Hội thảo.

Lê Anh - Nghĩa Đức