TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hộ tại Kỳ họp thứ 6
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng nhanh quy mô và nội lực của nền kinh tế quốc gia.
Xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
TS.Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi số trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của đất nước, tạo ra những chuyển biến to lớn về cơ cấu lao động, ngành nghề, lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045). Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu rõ: “Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường; tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn”.
Để thực hiện được điều này cần tập trung chú trọng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu, bảo đảm năng lực tự chủ về tư liệu sản xuất và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu. Hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia và tạo dựng thương hiệu Việt Nam dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo.
Xây dựng Chiến lược quốc gia về sản xuất thông minh, trọng điểm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo sự lan toả. Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu.
Tăng cường liên kết và khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT hiện đại, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam thông qua phát triển hoạt động nghiên cứu cũng như phát triển hệ thống doanh nghiệp sản xuất CNHT tại Việt Nam. Phát triển vườn ươm tạo doanh nghiệp CNHT nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực CNHT.
Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam. Xây dựng và thực thi có hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính vượt trội để kịp thời đón nhận và phát triển các phương thức, mô hình sản xuất kinh doanh mới đang hình thành rất nhanh như nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng Blockchain, chuỗi khối…
Thêm vào đó, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tạo thuận lợi cho trích lập và sử dụng hiệu quả quỹ đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; tăng cường chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa.
Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, các chủ thể kinh tế gắn kết với nhau, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển các ngành, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn, hiệu quả cao; Tăng cường mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng nội ngành và giữa các ngành.