ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: KỲ VỌNG CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA SỚM ĐI VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

29/11/2023

Sau 22,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá Kỳ họp này đã hoàn thành khối lượng công việc lớn và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời kỳ vọng các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/11: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Kỳ họp thành công với nhiều điểm nhấn

Phóng viên: Sau 22,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã được bế mạc trọng thể. Đại biểu đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật tại Kỳ họp lần này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi nhận thấy, Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác lập pháp, công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thứ nhất, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 Luật và 9 Nghị quyết và cho ý kiến vào 8 dự án Luật; Đồng thời thảo luận, xem xét quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Thứ hai, Kỳ họp này tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Thứ ba, Chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong đó, việc lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn được đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi sát sao và có những đánh giá, phản hồi ngay. Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được tiến hành một cách khách quan, thận trọng, đúng quy trình, đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.

Các ĐBQH đã rất tích cực, thẳng thắn trong quá trình xem xét, đánh giá, giám sát việc thực hiện chức trách được giao của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Các báo cáo của Chính phủ theo từng lĩnh vực được xây dựng nghiêm túc, công phu. Các ĐBQH đều đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ phục vụ Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với sự đổi mới nội dung và hình thức chất vấn trong Kỳ họp này, vai trò giám sát và tái giám sát của Quốc hội, của các ĐBQH ngày một nâng cao về chất lượng. giám sát đến cùng vấn đề, thắng thắn, trực diện, giám sát trên tinh thần xây dựng và vì mục tiêu kiến tạo và phát triển.

Toàn cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp lần này đã được Đoàn Chủ tọa, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành một cách khoa học và linh hoạt, sáng tạo dựa trên những nguyên tắc, quy định, qua đó tạo không khí thảo luận, tranh luận, chất vấn sôi nổi, dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, giám sát đến cùng các vấn đề.

Bên cạnh đó, có nội dung công việc đã dự kiến hoàn thành trong Kỳ họp 6 nhưng được điều chỉnh xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất tiếp theo. Đó là việc Kỳ họp 6 chưa thông qua (chỉ cho ý kiến) với 2 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Việc điều chỉnh đó thể hiện sự linh hoạt và thận trọng của Quốc hội trong quá trình lập pháp. Bởi lẽ đây là 2 dự án Luật còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, cần thiết phải có sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Nếu không, những vướng mắc trong thực tế chưa tháo gỡ được, khi luật có hiệu lực lại tiếp tục phát sinh những "điểm nghẽn".

Cá nhân tôi đánh giá đây là một Kỳ họp rất thành công, với nhiều điểm nhấn.

Phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ các dự án luật và nghị quyết trình Quốc hội

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và các dự án Luật, Nghị quyết được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Những luật trình Quốc hội thông qua hoặc xem xét tại Kỳ họp 6 về cơ bản được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, hồ sơ tương đối đầy đủ và kỹ lưỡng.

Cụ thể, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 Luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đồng thời thông qua 9 Nghị quyết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm: (1) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (3) Luật Đường bộ; (4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (5) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (6) Luật Thủ đô (sửa đổi); (7) Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sả

Đáng lưu ý, tôi nhận thấy, tại Kỳ họp này, sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra khá nhịp nhàng và chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ các dự án luật và nghị quyết trình Quốc hội, thẩm tra, tiếp thu và giải trình các dự án luật và những vấn đề ĐBQH có ý kiến.

Tuy nhiên, Kỳ họp này vẫn còn tình trạng tài liệu gửi đến các ĐBQH chậm và muộn so với quy định (như Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đất đai). Điều đó vừa gây khó khăn cho các ĐBQH (do áp lực về thời gian nghiên cứu), vừa phần nào ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho 2 Luật này chưa được thông qua tại Kỳ họp 6.

Kỳ vọng các luật, nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống

Phóng viên: Vậy đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để các Luật, Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi kỳ vọng với những luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp này sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả điều này,, tôi thấy cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

- Thứ nhất: Chú trọng hơn nữa công tác truyền thông về chính sách, pháp luật; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ khi được truyền thông đầy đủ và hiệu quả thì chính sách, pháp luật mới đi vào cuộc sống một cách sâu rộng và thuận lợi.

- Thứ hai: Tăng cường công tác giám sát, phát huy vai trò của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật. Song song với việc thực hiện giám sát, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc phản hồi chính sách/ pháp luật; nhận diện sớm những khó khăn, vướng mắc để có hướng tháo gỡ kịp thời.

- Thứ ba: Việc quan trọng nhất và cũng là việc cần triển khai đầu tiên trong quá trình thi hành luật mới được ban hành là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Chúng ta đã nói quá nhiều về thực trạng chậm trễ trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật (nghị định, thông tư, hướng dẫn...). Việc chậm trễ này khiến cho luật đã có hiệu lực nhưng chưa thể thi hành trong thực tiễn.

Bởi thế, cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, sao cho kịp thời, chất lượng và hiệu quả, tránh tình trạng luật "nằm chờ" nghị định, thông tư như đã từng xảy ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng