GÓC NHÌN: VAI TRÒ, VỊ TRÍ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN THIẾT CHẾ TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, BAN THƯ KÝ QUỐC HỘI

03/12/2023

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều quy định dưới luật đã có những quy định cụ thể hơn về tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội. Trong đó, quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội và 02 bộ phận tham mưu, giúp việc là Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội có điểm mới so với các quy định trước đây. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Vai trò, vị trí và phương hướng hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội” của Ths. Đỗ Thúy Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023 CỦA CHI BỘ VỤ THƯ KÝ

GÓC NHÌN: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XEM XÉT BÁO CÁO, GIẢI TRÌNH

Trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bộ máy giúp việc giữ một vị trí rất quan trọng; đóng vai trò hỗ trợ, bảo đảm công việc của Quốc hội được vận hành một cách thông suốt, vừa có tính đổi mới, vừa kế thừa, tiếp nối. Trong nhiều năm trở lại đây, tăng cường năng lực và hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội luôn là vấn đề được đặt ra và nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 và nhiều quy định dưới luật đã có những quy định cụ thể hơn về tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội. Trong đó, có một điểm mới so với các quy định trước đây đó là quy định về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội và 02 bộ phận tham mưu, giúp việc là Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội.

Theo quy định tại Điều 98 của Luật tổ chức Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Với việc quy định Tổng Thư ký Quốc hội là một thiết chế hoạt động thường xuyên, bộ máy giúp việc của Quốc hội được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, khắc phục những hạn chế của mô hình Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội trước đây (mang tính hình thức, làm nhiệm vụ Thư ký và một số nhiệm vụ khác chỉ trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội). Việc thành lập chức danh này còn được khẳng định là nhằm thúc đẩy việc hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, chức danh Tổng Thư ký Quốc hội đã được hình thành từ nhiệm kỳ khóa XIII và bắt đầu hoạt động từ năm 2016 đến nay.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi làm việc với Ban Thư ký.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng quy định giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký; cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Thư ký do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội. Như vậy, Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội đều do Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Thư ký có chức năng chủ yếu là tham mưu cho Tổng thư ký Quốc hội về mảng công việc liên quan đến quy trình, thủ tục, xây dựng dự thảo văn bản, thực hiện các nghiệp vụ thư ký và các công việc khác phục vụ hoạt động ra quyết định của Quốc hội. Trong khi, Văn phòng Quốc hội cũng có chức năng tham mưu tổng hợp phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và tham mưu, phục vụ hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chính vì có sự giao thoa giữa nhiệm vụ của Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội, nên mô hình tổ chức của Ban Thư ký có những đặc thù nhất định và được thành lập trên nguyên tắc sau: (1) Bảo đảm tham mưu, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động thư ký phục vụ kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (2) Là cầu nối bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Thư ký Quốc hội với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Với nguyên tắc đó, Ban Thư ký đã được thành lập như một cơ chế tổ chức công việc để tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội (không phải là một cơ quan hành chính độc lập), hình thành cơ bản trên cơ sở đội ngũ công chức của Văn phòng Quốc hội, là tập hợp những người có chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có khả năng kết nối giúp Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và có các điều kiện phù hợp để giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo đó, Ban Thư ký hiện nay có cơ cấu tổ chức gồm: 01 Phó Tổng Thư ký Quốc hội Thường trực đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 01 Phó Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, 01 Ủy viên Thường trực Ban Thư ký và các Ủy viên Ban Thư ký đều hoạt động kiêm nhiệm và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội; và có Bộ phận thường trực là Vụ Thư ký. Tổng Thư ký Quốc hội trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Ban Thư ký và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Ban Thư ký. Ban Thư ký, thành viên Ban Thư ký chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo, điều hành các mảng công việc của Ban Thư ký và các công việc khác theo phân công của Tổng Thư ký Quốc hội. Ủy viên Thường trực Ban Thư ký có nhiệm vụ làm đầu mối tham mưu, phục vụ việc điều hành hoạt động của Ban Thư ký. Ủy viên Thường trực và các Ủy viên Ban Thư ký trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Thư ký Quốc hội, được sử dụng bộ máy, công chức của vụ, đơn vị mà mình trực tiếp phụ trách để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Kinh phí hoạt động và các điều kiện bảo đảm khác của Ban Thư ký do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

Ưu điểm của Ban Thư ký theo mô hình tổ chức này là không làm xáo trộn về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội, không tạo thêm đầu mối tổ chức, không tăng thêm biên chế do các thành viên Ban Thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; vì thực chất các Vụ trưởng, Trưởng các đơn vị kiêm nhiệm thành viên Ban Thư ký đã thực hiện các công việc tương tự để tham mưu, giúp việc Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội trước đây và hiện nay tiếp tục triển khai các nhiệm vụ này để tham mưu, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội.

Kể từ khi được hình thành, thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, ngoài những nhiệm vụ được giao tại Luật Tổ chức Quốc hội, các Luật khác cũng đã bổ sung nhiều nhiệm vụ cho Tổng Thư ký Quốc hội, điều đó càng khẳng định vị thế, vai trò của thiết chế này. Qua thực tiễn hoạt động, mô hình Ban Thư ký đã phát huy lợi thế, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động phục vụ Quốc hội nên Ban Thư ký đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội. Mặc dù, mô hình tổ chức của Ban Thư ký đã từng bước được hoàn thiện, song vẫn còn một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, Ban Thư ký theo mô hình hiện nay là cơ chế tổ chức công việc chưa hoàn chỉnh, không có người đứng đầu; Tổng Thư ký Quốc hội điều hành toàn bộ hoạt động của Ban Thư ký nhưng không phải là thành viên Ban Thư ký.

Thứ hai, việc quy định số lượng Phó Tổng Thư ký Quốc hội chỉ có hai người và chỉ có một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm nhiệm Phó Tổng Thư ký Quốc hội, còn các Phó Chủ nhiệm khác của Văn phòng Quốc hội không phải thành viên Ban Thư ký dẫn đến tình trạng có những thời điểm như kỳ họp Quốc hội, mỗi Phó Tổng thư ký phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ, vai trò cùng một lúc, vừa làm nhiệm vụ của Ban Thư ký vừa làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; và có một số nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội như công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, tổ chức hoạt động dự thính tại kỳ họp Quốc hội được phân công một số Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội không phải là thành viên Ban Thư ký phụ trách…

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó yêu cầu hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội. Theo định hướng này, có thể hiểu Ban Thư ký Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp việc Quốc hội. Để thực hiện định hướng này, đồng thời khắc phục một số bất cập về cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký hiện này, xin đề xuất một số nội dung để hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội và mô hình Ban Thư ký Quốc hội như sau:

* Ban Thư ký Quốc hội vẫn là một tổ chức công việc như Đoàn Thư ký kỳ họp trước đây nhưng có chức năng tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (không phải là một cơ quan hành chính độc lập) có Tổng Thư ký Quốc hội là người đứng đầu Ban Thư ký Quốc hội (thuộc cơ cấu của Ban Thư ký Quốc hội), đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

* Về chức năng, nhiệm vụ: Ban Thư ký Quốc hội trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ đang giao Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay. Tổng Thư ký Quốc hội điều hành Ban Thư ký Quốc hội và là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện một số nhiệm vụ với tư cách cá nhân Tổng Thư ký Quốc hội.

* Về cơ cấu tổ chức, Ban Thư ký Quốc hội gồm:

(1) Tổng Thư ký Quốc hội;

(2) Các Phó Tổng Thư ký Quốc hội (gồm: các Phó Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 01 Phó Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội);

(3) Ủy viên Thường trực Ban Thư ký – Vụ trưởng Vụ Thư ký;

(4) Ủy viên Ban Thư ký (gồm các Vụ trưởng các Vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số Vụ phục vụ chung: Hành chính, Tổng hợp, Lễ tân, Phục vụ hoạt động giám sát, Tin học, Thông tin, Thư viện Quốc hội và một Ủy viên là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp).

Với mô hình này, Ban Thư ký Quốc hội sẽ được nâng cao vị trí, vai trò, có cơ cấu tổ chức hoàn thiện, có người đứng đầu là Tổng Thư ký Quốc hội; đồng thời bảo đảm hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, tham mưu chuyên sâu những vấn đề về nội dung và quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và vẫn kế thừa tính hiệu quả của mô hình Ban Thư ký hiện nay./.

                  

Ths. Đỗ Thúy Bình

Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội

Các bài viết khác