PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN VỊ THỦY, HẬU GIANG
Hoạt động HĐND ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu
Theo thông tin từ HĐND tỉnh Hậu Giang, từ khi triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Hậu Giang đến nay, hoạt động của HĐND các cấp không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả được áp dụng và nhân rộng đưa hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Hậu Giang ngày càng hiệu lực, hiệu quả, góp phần cùng hệ thống chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Đã có 452 mô hình, cách làm hay được hình thành, áp dụng có hiệu quả, được công nhận, bước đầu đã triển khai, nhân rộng. Công tác tổ chức kỳ họp của HĐND các cấp từng bước đổi mới, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật.
Qua gần 2 năm thực hiện Đề án, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Trên cơ sở kế hoạch tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND cùng cấp để trao đổi, thống nhất nội dung, danh mục nghị quyết trình tại kỳ họp. Các nghị quyết quy phạm pháp luật trình tại kỳ họp đều được UBND trình đề nghị xây dựng nghị quyết, được các Ban HĐND thẩm tra, trước khi Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến; và từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 85 nội dung đề nghị xây dựng nghị quyết.
Phương thức chuẩn bị và tổ chức kỳ họp có sự đổi mới, linh hoạt cho thấy sự cải tiến rõ rệt và đạt hiệu quả cao; nhờ cải tiến phương thức tổ chức kỳ họp, HĐND các cấp đã tổ chức thành công 670 kỳ họp, sau kỳ họp. Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức triển khai thực hiện 967 chuyên đề, nội dung giám sát chuyên đề được lựa chọn phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp, tập trung vào việc triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND ban hành và những vấn đề nổi cộm được nhiều cử tri, Nhân dân quan tâm.
Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần đổi mới, như quá trình nghiên cứu, vận dụng tổ chức thực hiện đề án tại số địa phương vẫn chưa đạt theo yêu cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động HĐND cấp xã chưa nhiều. Công tác phối hợp tổ chức kỳ họp HĐND có việc chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong quy trình, thủ tục và nội dung. Một số nghị quyết, đề án, chính sách triển khai thực hiện đạt kết quả chưa cao, còn vướng mắc, chậm được các cấp, các ngành rà soát, báo cáo, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND một số đơn vị còn hạn chế, nhất là sau giám sát.
Thể chế hóa nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ các cấp thành nghị quyết của HĐND với tinh thần đồng hành
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, ý chí quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng như những kết quả HĐND, UBND và các cấp, ban, ngành của tỉnh đạt được trong thời gian qua. Đạt được những kết quả đó là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để chỉ đạo triển khai kịp thời, bài bản, quyết liệt các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; cùng với đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của Hậu Giang tiếp tục quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, đột phá, nỗ lực hơn nữa, đưa Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững.
Các đại biểu dự hội nghị
Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hậu Giang cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022, của Bộ Chính trị "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn theo đúng tinh thần Chỉ thị 26-CT/TW ngày 23.11.2023 của Ban Bí thư, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều vui Xuân, đón Tết đầm ấm, nhất là các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng có hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục phát huy ưu thế là tỉnh có vị trí địa - kinh tế quan trọng, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, trung tâm lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, lễ hội.
"Con người Hậu Giang năng động, nghĩa tình, thủy chung, có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất; cùng với đó là quyết tâm, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hậu Giang cần chú trọng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kết hợp phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới, nâng cao tính thực chất, kiểu mẫu, triển khai đồng bộ hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để khai thác tốt lợi thế sản phẩm đặc trưng của các địa phương, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, cần tập trung khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí cho các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược, lâu dài, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời chọn nhà đầu tư mang lại hiệu quả với giá trị tăng cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hậu Giang cần thúc đẩy, phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với nước, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc Nhân dân; phòng, chống các loại dịch bệnh. Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa để các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội và quá trình phát triển kinh tế. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đối với HĐND các cấp tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ các cấp, các ngành thành nghị quyết của HĐND với tinh thần đồng hành, phối hợp cùng UBND, có bản lĩnh, chính kiến và cách làm phù hợp theo quy định của pháp luật; chuẩn bị kỹ lưỡng các kỳ họp HĐND, thực hiện có hiệu quả, thực chất các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; bảo đảm các điều kiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp.
Đồng thời, xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2024 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND. Từ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực tại địa phương, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, chủ động tham gia có hiệu quả các chuyên đề giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát, khảo sát.