KỲ HỌP THỨ 6: CÔNG TÁC LẬP PHÁP ĐƯỢC CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG VÀ TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC DỰ ÁN LUẬT
Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV
Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác. Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v…
Đặc biệt, trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV trình Bộ Chính trị thông qua và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và ban hành Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 và tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án của Đảng đoàn Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch lập pháp tổng thể mang tính định hướng cho cả nhiệm kỳ, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan để tiến hành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm của lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo kế hoạch với tinh thần “lập pháp chủ động”.
Việc xem xét đề nghị xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết cũng được thực hiện thận trọng, sát hơn với yêu cầu thực tế, tăng tính hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong từng công đoạn của quy trình ban hành văn bản. Đồng thời, kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án còn nhiều chính sách cần phải rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động, thiếu sự đồng thuận cao của các cơ quan;…
Các vị đại biểu Quốc hội tham gia góp ý vào dự án Luật tại phiên họp toàn thể
Trong hoạt động lập pháp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có vị trí trung tâm, góp phần quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội. Từ những nội dung có tính nguyên tắc trong Hiến pháp, hoạt động lập pháp của ĐBQH đã từng bước được điều chỉnh ngày càng cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. So với các hoạt động khác, khuôn khổ pháp lý về hoạt động lập pháp của ĐBQH có quá trình hình thành và phát triển sớm hơn. Đầu tiên là Nghị quyết số 91/NQ/HĐNN8 ngày 06/8/1988 về việc ban hành Quy chế xây dựng luật và pháp lệnh; tiếp đến là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và đến nay là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cùng với đó là Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Các văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để ĐBQH thực hiện đầy đủ bổn phận, trách nhiệm trong thực thi quyền lập pháp của Quốc hội.
Nghiên cứu về nội dung này, PGS.TS. Lê Thiên Hương, Trường Đại học Chu Văn An cho rằng, yêu cầu của thời kỳ hội nhập và xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN đã và đang đặt ra cho Quốc hội Việt Nam nhiệm vụ cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong đó cần phát huy và nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động lập pháp của Quốc hội nói chung và ĐBQH nói riêng.
Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Đưa ra giải pháp, PGS.TS. Lê Thiên Hương kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động lập pháp của ĐBQH về quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng ĐBQH; nâng cao năng lực tư duy phản biện và đề cao tính trách nhiệm trong hoạt động lập pháp của ĐBQH; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn;…
Trong đó, lưu ý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội, cần phát huy vai trò hạt nhân của ĐBQH. Hoạt động lập pháp của ĐBQH là hoạt động của chủ thể đặc biệt, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính xã hội bởi tính đại diện và địa vị pháp lý của ĐBQH. Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, cần tăng tỷ lệ ĐBQH tái cử để phát huy kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động nghị viện mà các đại biểu tích lũy được sau mỗi nhiệm kỳ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường ĐBQH chuyên trách (theo hướng tối thiểu phải bảo đảm không dưới 40% trong tổng số ĐBQH). Coi trọng chất lượng đại biểu để nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội, giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan trong bộ máy hành pháp và tư pháp, tăng tỷ lệ ĐBQH là các nhà khoa học, đại biểu có trình độ, năng lực và điều kiện tham gia hoạt động lập pháp của Quốc hội. Mỗi ĐBQH cũng phải tự nâng cao kỹ năng hoạt động lập pháp của mình trong phát biểu, thảo luận đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo PGS.TS. Lê Thiên Hương, nâng cao trình độ lập pháp của ĐBQH là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, trong đó có chất lượng của việc thảo luận và thông qua dự án luật tại kỳ họp Quốc hội. Để nâng cao chất lượng lập pháp của ĐBQH, trước hết cần lựa chọn được những đại biểu có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật, có điều kiện tham gia hoạt động lập pháp của Quốc hội. Đồng thời tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng liên quan đến hoạt động lập pháp của ĐBQH để hỗ trợ đại biểu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định./.