GÓC NHÌN: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024 TỪ KINH NGHIỆM THỰC TẾ TẠI ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH

13/12/2023

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Với nhiều đổi mới về phương thức, hoạt động giám sát đã tạo ra chuyển biến thiết thực được cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết về “Một số kiến nghị thực hiện hiệu quả chương trình giám sát năm 2024 từ kinh nghiệm thực tế tại Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh”.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Trong năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân cả nước. Các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai là các nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn rất có ý nghĩa đối với quá trình thực thi, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt việc tổ chức các chuyên đề giám sát năm 2023 ngay từ cuối năm 2022, qua đó đã tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan, giúp cho các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 được triển khai đúng tiến độ. Các đề cương giám sát được xây dựng công phu, chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương trong quá trình tiến hành giám sát và xây dựng báo cáo giám sát để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Công tác phối hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động hơn, sớm hơn và hiệu quả thiết thực.

Các báo cáo kết quả giám sát đối với các nội dung đã hoàn thành được chuẩn bị rất công phu, đánh giá toàn diện các vấn đề có liên quan, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bất cập của từng lĩnh vực, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp khắc phục, đã tạo sự chuyển biến tích cực và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tổ chức triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 đúng theo nhiệm vụ được phân công và chương trình đã đề ra; đồng thời kịp thời tổ chức một số cuộc làm việc chuyên đề để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Trong quá trình triển khai giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo và cung cấp thông tin có liên quan để thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát.

Khi tiếp nhận các đề nghị, kế hoạch, báo cáo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và các Sở, ban, ngành; quận, huyện và các đơn vị hữu quan của Thành phố đã thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo kết quả các nội dung thực hiện quy định pháp luật trên địa bàn Thành phố; các cơ quan chịu sự giám sát đã tích cực hợp tác, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi giám sát tình hình thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố.

Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã ghi nhận đầy đủ các khó khăn, vướng mắc và có các kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết các nội dung còn tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung giám sát tại địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn có mặt hạn chế, đó là: Do đa số đại biểu là kiêm nhiệm, phải đảm bảo công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực đảm nhiệm, khối lượng công tác chuyên môn lớn dẫn tới còn hạn chế trong sắp xếp quỹ thời gian thực hiện vai trò đại biểu tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát; nhiều nội dung giám sát có phạm vi vừa rộng, vừa có tính chuyên môn sâu, do đó công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố mặc dù từng bước được cải thiện nhưng nhân sự còn thiếu, chất lượng nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu, cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử.

04 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 là các nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.

Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm phải bám sát và tham gia triển khai thật tốt, tổ chức giám sát đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật các nội dung theo chỉ đạo, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn Giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó cung cấp thông tin thực tiễn từ địa phương, góp phần giúp nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Với trách nhiệm của mình, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiêm túc chuẩn bị chu đáo, xây dựng Kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát theo phân công; Tổ chức các cuộc giám sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức và các địa phương trên địa bàn Thành phố, qua đó, trực tiếp nắm bắt tình hình tại địa phương, cơ sở; xem xét, đánh giá, làm rõ các nội dung cụ thể liên quan đến chuyên đề giám sát và ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan, tổ chức hữu quan; báo cáo kết quả giám sát đúng tiến độ được phân công nêu trong Kế hoạch giám sát của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội., có các kiến nghị cụ thể với các cơ quan hữu quan.

Đồng thời, Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ cử đại diện tham gia đầy đủ hoạt động của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.  

Nhằm thực hiện tốt 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh xin kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Một là, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các Đoàn Giám sát, tránh trường hợp các Đoàn về làm việc với cùng một địa phương trong thời gian quá cận kề nhau, để Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào hoạt động giám sát chung.

Hai là, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội để chuyển đến các Bộ, Ngành hữu quan xem xét giải quyết, có ý kiến trả lời cho địa phương.

Ba là, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm cho công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu Quốc hội về quy trình giám sát, cách thức tổ chức giám sát, cách lựa chọn vấn đề giám sát; chọn lựa chuyên gia, hướng dẫn rõ hơn về cơ chế và quy định về thẩm quyền, chi phí cho chuyên gia… Đồng thời, Văn phòng Quốc hội cần cung cấp thường xuyên tài liệu, báo cáo chuyên đề về kinh tế- xã hội để đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu phục vụ cho chọn lựa nội dung giám sát.

Bốn là, tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Năm là, tăng cường chế độ bảo đảm phục vụ hoạt động giám sát và việc huy động chuyên gia vào công tác giám sát của Quốc hội. Đồng thời quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Văn phòng trực tiếp phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát./.

              Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết 
Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Các bài viết khác