GÓC NHÌN: BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC

19/12/2023

Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm quyền con người và các quyền cơ bản của công dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm đưa ra góc nhìn và giải pháp giám sát thực hiện chính sách dân tộc của Quốc hội trong giai đoạn hiện nay, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “Bảo đảm chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách dân tộc” của TS.Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

GÓC NHÌN: KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA - NHÂN CHỨNG VƯỢT THỜI GIAN, LÀM NÊN BẢN SẮC DÂN TỘC

Quốc hội giám sát thực hiện chính sách dân tộc là việc Quốc hội và các cơ quan chức năng với tư cách cơ quan lập pháp trong bộ máy nhà nước thông qua các công cụ, phương tiện để tiến hành theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách dân tộc (CSDT), đồng thời, tiến hành xử lý những vấn đề bất thường đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các nội dung chính sách đề ra theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát thực hiện CSDT theo nguyên tắc Hiến định. Tại khoản 3 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ về giám sát của Quốc hội như sau: “Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”. Tại khoản 7 Điều 74 Hiến pháp quy định: “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường họp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân”.

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn thăm mô hình sản xuất chè của nông dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN)

Thứ nhất, Quốc hội giám sát CSDT thông qua quyền lập hiến.

Giám sát là một trong 15 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, chức năng của Quốc hội được quy định tại khoản 2 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, như sau: thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Thứ hai, Quốc hội giám sát thực hiện CSDT thông qua xem xét quy định có liên quan trong các dự án luật.

Về nhiệm vụ thẩm tra việc bảo đảm CSDT (theo quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc tại Điều 69 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014), trong các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc thực hiện quyền giám sát chủ yếu ở các dự án luật, pháp lệnh được giao trong công tác phối hợp thẩm tra.

Thứ ba, Quốc hội giám sát thực hiện CSDT thông qua hoạt động giám sát, khảo sát theo chuyên đề.

Quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội được tiến hành trên hai phương diện: giám sát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát hoạt động; về nội dung có thể là giám sát chuyên đề và giám sát vụ việc.

Thứ tư, Quốc hội giám sát thực hiện CSDT thông qua hoạt động giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.

Về bản chất, chất vấn là một hình thức được Quốc hội áp dụng để giám sát hoạt động của các cơ quan và các cá nhân được giao quyền. Khi thực hiện hoạt động chất vấn, đại biểu Quốc hội nhân danh cá nhân, là đại diện quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân nêu ra những câu hỏi thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ (do Quốc hội bầu), đồng thòi yêu cầu họ trả lời về trách nhiệm pháp lý, nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề.

Thứ năm, Quốc hội giám sát thực hiện CSDT thông qua thẩm tra báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, các báo cáo, đề án Chính phủ trình Quốc hội.

Hàng năm, tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, các báo cáo, đề án Chính phủ trình Quốc hội xem xét... Đối với các nội dung có liên quan đến dân tộc thiểu số (DTTS) và CSDT, phần lớn đều được giao cho Hội đồng Dân tộc chủ trì phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra (các báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành về kinh tế - xã hội, về quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia xây dựng Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Quốc hội).

Một là, rà soát lại khung pháp lý và các quy định có liên quan đến việc “Quốc hội giám sát thực hiện chính sách dân tộc”, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc quy định cơ chế được sử dụng tổ chức, cá nhân có năng lực để tiến hành nghiên cứu, tư vấn độc lập đánh giá các nội dung được giám sát để cung cấp thông tin, cơ sở khoa học cho việc Quốc hội thực hiện quyền giám sát. Đồng thời, cũng cần có phân định rõ ràng giữa các chủ thể giám sát (Quốc hội với tư cách là chủ thể giám sát tối cao; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội) trong thực hiện giám sát CSDT, xác định rõ các loại hình chính sách dân tộc tương ứng với trách nhiệm giám sát của từng chủ thể cho phù họp.

Hai là, nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội, các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức giúp việc Quốc hội về các vấn đề liên quan, đáp ứng yêu cầu quyết định và giám sát thực hiện CSDT.

Ba là, xác định và pháp quy hóa nội dung, phạm vi về việc Quốc hội giám sát thực hiện CSDT như sau: về bảo đảm bình đẳng xã hội và đoàn kết xã hội; về công tác thực hiện an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; về thúc đẩy phát triển con người, phát triển xã hội; về việc quản lý và kiểm soát các xung đột xã hội, biến đổi xã hội; về xử lý các vấn đề xã hội mới nảy sinh trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống vùng dân tộc; giám sát công tác phối hợp trong xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện CSDT.

Bốn là, đổi mới công tác giám sát thực hiện CSDT, như sau: giám sát đánh giá, quản lý theo mục tiêu chính sách; đổi mới và tăng cường các hoạt động khảo sát, giám sát, tổ chức các phiên giải trình, chất vấn.

Năm là, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, toàn diện, chính xác, cập nhật phục vụ Quốc hội giám sát thực hiện CSDT.

Sáu là, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội quyết định và giám sát thực hiện CSDT.

Về kiến nghị

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách và quy trình ban hành chính sách. Cần xây dựng Đề án chính sách hoàn chỉnh trước khi quyết định xây dựng một dự án hoặc văn bản luật có liên quan.

Đổi mới quy trình lập pháp cần có những đột phá mang tính cải cách, nhằm đưa ra một quy trình khoa học và hiệu quả, nâng tầm hoạt động lập pháp của Nhà nước đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện đại.

Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có thể khẳng định đến thời điểm hiện nay và những năm tiếp theo, vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc thực sự mang tính chiến lược, cấp bách của cách mạng Việt Nam. Để giải quyết vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc thì chính sách, pháp luật là công cụ quan trọng nhất.

Đối với khu vực biên giới, nơi có đông đồng bào có mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn với đồng bào các nước bạn, chính quyền địa phương và lực lượng an ninh cần nắm chắc tình hình, quản lý tốt việc đi lại làm ăn, thăm thân, hôn nhân và quản lý lao động qua biên giới.

Tập trung đầu tư mạnh để phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biên giới, trong đó có việc hình thành những khu, cụm kinh tế - quốc phòng tạo nên bước phát triển rõ rệt, tạo thêm nhiều việc làm để người dân an tâm và an cư.

Tăng cường công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, lao động trái phép qua biên giới; trấn áp các loại tội phạm như buôn bán ma túy, mua bán người, xâm phạm an ninh biên giới...

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về đầu tư và cơ hội phát triển đối với các vùng, miền, các cộng đồng dân tộc, nhất là đối với các dân tộc còn có nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù, giảm dần khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế -xã hội và đời sống Nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong nội bộ từng dân tộc, củng cố đoàn kết xã hội và đoàn kết các dân tộc.

Tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương, mở rộng các hình thức dân chủ phù họp để đồng bào tham gia hiệu quả hơn vào quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, các dự án cụ thể trên nguyên tắc 5 biết: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Duy trì và phát huy các yếu tố tích cực của thiết chế tổ chức truyền thống, tạo liên kết cộng đồng, nhóm dân cư, dân tộc; thúc đẩy ý thức tự lực, tự cường vươn lên của các cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số.

Các cấp ủy, tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở, chú trọng lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc, nhất là cán bộ tại chỗ. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS để không ngừng củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Kết họp công tác vận động quần chúng với công tác nghiệp vụ của lực lượng vũ trang ở vùng đồng bào DTTS.

Nâng cao hiệu quả phối họp giữa lực lượng vũ trang với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự.

Tăng cường và đổi mới công tác dân vận, công tác thông tin, tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS để không ngừng củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Về đề xuất

Thứ nhất, Quốc hội, Hội đồng Dân tộc Quốc hội chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và quyết định các vấn đề CSDT trong thời gian qua có liên quan đến tính định hướng chính sách, nội dung, chất lượng, hiệu quả chính sách và làm rõ mối quan hệ giữa quá trình xây dựng CSDT, quá trình thể chế, quyết định chính sách về mặt luật pháp.

Thứ hai, cần có định hướng xây dựng CSDT trong giai đoạn tới trên tinh thần đổi mới với các nội dung trong khung thời gian 20 - 30 năm (hoặc 50 năm; 5 năm trước là tiền đề cho 5 năm sau trong một chiến lược chính sách), do vậy, không nên xây dựng CSDT theo nhiệm kỳ 5 năm (không xác định được 5 năm sau sẽ làm gì như một số giai đoạn vừa qua).

Thứ ba, tăng cường chỉ đạo cụ thể quy trình xây dựng CSDT của cơ quan chức năng bảo đảm tính khoa học, thực tiễn... nhằm cung cấp luận cứ tin cậy, tác động vĩ mô và vi mô của chính sách đối với các vấn đề dân tộc đặt ra trong giai đoạn tới. Đây là khâu có tính quyết định đến chất lượng hoạt động thể chế hóa, quyết định CSDT của Quốc hội.

Thứ tư, quan tâm tăng cường năng lực bộ máy giúp việc Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực dân tộc, từ việc xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, đến bố trí các điều kiện làm việc khác./.

                       

TS.Nguyễn Lâm Thành

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội