GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: CẢM NHẬN QUA CÁC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Theo TS. Đỗ Thị Thơm, Viện Quyền con người, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động nói chung và người lao động khu vực công nghiệp nói riêng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạch định và thực thi chính sách xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu thực tiễn bảo đảm quyền an sinh xã hội của người lao động khu vực công nghiệp ở một số quốc gia cho thấy, với tư cách là chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền, nhà nước thường chú trọng đến việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người lao động, thể hiện trên các phương diện sau: bảo đảm nhu cầu nhà ở cho người lao động khu công nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động khu công nghiệp được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cả nhãn; bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động trong trường hợp tai nạn lao động; bảo đảm tốt quyền an sinh xã hội cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương tại các khu công nghiệp; chủ trọng bảo đảm quyền cho con em người lao động khu công nghiệp.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới trong việc bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp nói trên, các chuyên gia đã đề xuất một số giá trị tham khảo cho Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền này cho người lao động tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền an sinh xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp
Một là, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền an sinh xã hội của người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng. Điều này sẽ góp phần tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của nhóm đối tượng đặc thù này. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, bên cạnh Bộ luật Lao động với những quy định về các nguyên tắc nền tảng trong lĩnh vực lao động việc làm, giải quyết mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhiều nước đã ban hành riêng Luật An sinh xã hội. Đạo luật mang tính chuyên biệt này là sự cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia, trong đó đặt ra những quy định cụ thể về các hệ thống an sinh xã hội, về quyền được hưởng an sinh xã hội của người lao động, về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền con người và bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động,... Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu ban hành thêm các đạo luật, các chính sách khác nhằm hỗ trợ cho Bộ luật Lao động.
Luật An sinh xã hội và bảo vệ tốt hơn từng nhóm người lao động đặc thù như lao động nữ, lao động khuyết tật, lao động cao tuổi,… Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc gia về an sinh xã hội, mà còn tạo thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là những người thuộc về các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, hiện thực hóa quyền được hưởng an sinh xã hội của mình một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác bảo đảm quyền quan trọng này.
Cần quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tôn trọng quyền con người và bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động
Hai là, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền của người lao động khu công nghiệp. Thực tiễn các nước cho thấy, không nên coi việc đóng góp bảo hiểm xã hội và các loại hình bảo hiểm khác là gánh nặng cho người sử dụng lao động - chủ doanh nghiệp, vì nếu không họ sẽ tìm mọi cách né tránh, ‘Tách luật” để bảo toàn lợi ích của mình, gây thiệt thòi cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước thông qua những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ vật chất, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp xã hội, v.v.., qua đó cùng chung tay, san sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp trong việc giải quyết các bài toán an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp hiện nay.
Chẳng hạn, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp có đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp bảo đảm ổn định nguồn lao động, duy trì và nâng cao chất lượng sống của người lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho công nhân các khu công nghiệp, giúp họ có điều kiện tài chính cần thiết để mua nhà, thuê nhà ở xã hội, an cư hay ổn định chỗ ở, từ đó ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý làm việc và cống hiến lâu dài, tích cực cho doanh nghiệp.
Ba là, chú trọng đến việc bảo đảm quyền an sinh xã hội của các nhóm lao động đặc thù tại các khu công nghiệp như lao động nữ, lao động khuyết tật, lao động người nước ngoài, lao động tay nghề cao, lao động cao tuổi... Đây là những nhóm đối tượng cần có chế độ đãi ngộ riêng và thường có nhiều nguy cơ, rủi ro về sức khỏe và việc làm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và đại dịch toàn cầu. Quan tâm chăm lo quyền an sinh xã hội cho những nhóm đối tượng này cũng chính là nhằm thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm sự bình đẳng và thực hiện công bằng xã hội.
Cần tích cực thu hút sự tham gia của người lao động vào việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật
Bốn là, đẩy mạnh vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong xây dựng, thực thi chính sách liên quan đến quyền an sinh xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp. Theo đó, cần tích cực thu hút sự tham gia của người lao động vào việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách về an sinh xã hội có liên quan trực tiếp với quyền lợi chính đáng của họ. Nhà nước và doanh nghiệp cần tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu quan điểm, nguyện vọng của người lao động để từ đó có thể hoạch định và thực thi những chính sách an sinh xã hội có chất lượng, bám sát nhu cầu thực tiễn của người lao động. Đồng thời, cần nâng cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cũng như của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp, qua đó thúc đẩy công tác bảo đảm quyền này của người lao động đạt hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Năm là, cần tiếp tục củng cố hệ thống các lưới an sinh xã hội, tạo thành một nền tảng vững mạnh để dựa trên đó quyền an sinh xã hội của người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp nói riêng được hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm hưu trí,... cần được thiết kế, xây dựng và vận hành đồng bộ, nhất quán, thể hiện được chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, lấy quyền và lợi ích chính đáng của người lao động là trung tâm, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế, sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề này là thực sự cần thiết để từ đó có thể rút ra những giá trị tham khảo hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động không ngừng, với rất nhiều thời cơ và thách thức như hiện nay.