ĐỔI MỚI TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT XIII CỦA ĐẢNG

25/12/2023

Vừa qua, tại Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội là tất yếu, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

TĂNG TỶ LỆ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH – HƯỚNG TỚI QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP

Quốc hội là một trong ba bộ phận cấu thành quan trọng của quyền lực nhà nước, vừa là thiết chế phản ánh tập trung nhất nguyên tắc Hiến định quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thể hiện rõ nét nguyên tắc “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Quốc hội bảo đảm thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; thể hiện ý chí và quyền làm chủ của Nhân dân. Điều này thể hiện trước hết qua bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó Nhân dân bầu ra người đại biểu đại diện cho mình, có đủ đức, đủ tài, có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Bên cạnh đó, trong hoạt động, đại biểu Quốc hội gắn bó với cử tri, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Các quyết định của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát đều vì Nhân dân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Quốc hội khóa XV

Nghiên cứu về hoạt động của Quốc hội, Ths. Bùi Thị Thu Hương, Nguyên Giám đốc trường Chính trị tỉnh Nghệ An cho biết, chặng đường gần 80 năm, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý giá cho việc củng cố, nâng cao Quốc hội khóa sau. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đổi mới cơ cấu tổ chức của Quốc hội tác động mạnh mẽ đến hoạt động lập pháp và ở chiều ngược lại, yêu cầu, kết quả hoạt động lập pháp cũng khơi gợi, tác động đến định hướng đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, của bộ máy nhà nước.

Cũng theo Ths. Bùi Thị Thu Hương, các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng luôn chú trọng tới yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đặt ra yêu cầu Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng về lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao; nâng cao chất lượng và cơ cấu hợp lý đại biểu Quốc hội; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Quan điểm, chủ trương của Đảng về Quốc hội ngày càng toàn diện, đầy đủ trên các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Ths. Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hải Dương

Phân tích về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, Ths. Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hải Dương cho biết: Quốc hội đã hoàn thiện khung pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiệu quả. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nội quy kỳ họp sửa đổi (Nghị quyết số 71/2022/QH15) và Quy chế làm việc của UBTVQH (Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15); Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết (số 21 và số 22/2022/NQ-UBTVQH15) về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, cùng với Quy chế làm việc (mẫu) của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội góp phần củng cố vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, nhân dân; thể chế giám sát của Quốc hội không ngừng được hoàn thiện, cách thức tổ chức thực hiện ngày càng được cải tiến, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Đảng đoàn Quốc hội ban hành Kết luận (số 843-KL/ĐĐQH15) về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết (số 560/NQ-UBTVQH15) về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Nghị quyết (số 594/NQ-UBTVQH15) về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND. Các văn bản đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, HĐND.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai đã huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội. Chú trọng hoạt động "tái giám sát", bảo đảm cho các kiến nghị giám sát được thực thi nghiêm túc.

Ngoài ra, công tác dân nguyện đã được chú trọng đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Công tác dân nguyện trở thành chương trình nghị sự hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày càng đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sáng kiến tổ chức các diễn đàn thường niên về kinh tế-xã hội và văn hóa. Các Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của hệ thống chính trị, giới chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước,  cung cấp các luận cứ cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác định kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống, nhấn mạnh việc thực hiện các mục tiêu dài hạn trong cơ cấu lại nền kinh tế đất nước.

Khẳng định sự cần thiết tiếp tục đổi mới toàn diện tổ chức, hoạt động của Quốc hội là tất yếu, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Ths. Lương Anh Tế cũng kiến nghị cần phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Từ đó, có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lưu ý, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Nhấn mạnh vai trò là một trong những hoạt động chính của Quốc hội trong đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, hoạt động lập pháp cần phải được đảm bảo hiệu quả bởi kết quả của hoạt động này có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động trên phạm vi toàn lãnh thổ. Tính chuyên nghiệp của hoạt động lập pháp trước hết là sự chuyên nghiệp trong từng cơ quan của Quốc hội và cả đại biểu Quốc hội. Tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội cần được xác định ở sự tập trung về thời gian và nhiệm vụ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp chung của Quốc hội thể hiện ở thực hiện đầy đủ quy trình lập pháp, thu hút sự tham gia của các tổ chức và các bộ phận tham mưu có trình độ chuyên môn sâu.

Ngoài ra, cần quan tâm hoàn thiện và thực thi đúng quy trình giám sát. Hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội chỉ đạt hiệu quả khi xác định rõ phạm vi lĩnh vực giám sát của từng chủ thể giám sát, tránh chồng chéo, đổi mới hình thức và cách thức giám sát để tăng cường hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội  XIII của Đảng”

Tiếp cận dưới góc độ đảm bảo nguyên tắc Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ths. Lê Hữu Nam, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, cần công khai hoạt động của Quốc hội thông qua các hình thức: công khai hoạt động kỳ họp Quốc hội qua tăng cường thông tin báo chí, tăng cường truyền hình trực tiếp thảo luận Hội trường, để nhân dân tự do (có sự kiểm soát an ninh) tham dự kỳ họp Quốc hội. Công khai trên trang điện tử để người dân biết đại biểu Quốc hội phát biểu hay không, phát biểu nội dung gì, chính kiến ra sao. Công khai hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội bằng hình thức tuyên truyền, thậm chí truyền hình trực tiếp một số hoạt động quan trọng của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Cho phép nhân dân tiếp cận các biên bản họp của các cơ quan của Quốc hội.

Ngoài ra, cần công khai hoạt động của đại biểu Quốc hội, cần có quy định đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri, nếu không tiếp xúc cử tri bao nhiêu thời gian thì bị khiển trách, tiếp tục vi phạm thì bị cử tri bãi nhiệm. Quy định đại biểu tiếp xúc cử tri độc lập và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri (hiện nay chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội). Đại biểu Quốc hội phải công khai chương trình hành động của mình, công khai đánh giá hoạt động của mình theo chương trình hành động trên phương tiện thông tin đại chúng./.

Lê Anh