ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC VỀ MẶT KHOA HỌC ĐỐI VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ KHÓ, CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU TRONG CÁC DỰ ÁN LUẬT

25/12/2023

Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2023 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, một trong những dấu ấn, thể hiện nét đổi mới trong hoạt động của Hội đồng khoa học là việc tích cực cho ý kiến về những vấn đề khó, phức tạp, còn có nhiều quan điểm khác nhau của các dự án luật; đóng góp thiết thực về mặt khoa học trong quá trình hoàn thiện các dự luật.

PHIÊN HỌP THỨ TÁM CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp thứ tám của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tham gia góp ý trực tiếp đối với các dự án luật khó, phức tạp

Báo cáo tại Phiên họp thứ 8 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học nêu rõ, những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực của Quốc hội trong năm 2023 có phần đóng góp thiết thực từ hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và vai trò, trách nhiệm của Hội đồng khoa học.

Một trong những dấu ấn phải kể đến trong hoạt động năm 2023 của Hội đồng khoa học là việc tổ chức phiên cho ý kiến trực tiếp đối với những vấn đề khó, phức tạp còn nhiều ý kiến khác của các dự án luật. Cụ thể:

Tại Phiên họp thứ năm của Hội đồng khoa học đã góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, có tầm tác động, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đến người dân. Vì vậy, tiếp tục kết quả đã đạt được từ phiên họp thứ hai của Hội đồng khoa học (26/8/2022) cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội đồng khoa học đã tổ chức Phiên họp thứ năm tiếp tục xin ý kiến thành viên Hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Luật này.

Trong phiên họp thứ năm, các thành viên hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự đã có những góp ý rất cụ thể, sâu sắc và tâm huyết vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dựng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Hội đồng khoa học cũng đã có những nhận định về việc cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng; phải bảo đảm tính thống nhất, khả thi của dự thảo luật; cần đưa ra các nguyên tắc sử dụng đất; cần có nội dung kiểm soát quyền lực và cần có những tiêu chí đặt ra trong việc xem xét hoàn thiện dự thảo Luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học 

Tiếp đó, tại Phiên họp thứ sáu, các thành viên Hội đồng khoa học đã trao đổi, thảo luận, có các ý kiến thiết thực, góp ý cho Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Hội đồng khoa học đề nghị Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Luật, cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ hơn nữa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến sở hữu nhà ở; chính sách về nhà ở xã hội, quản lý; sử dụng nhà ở, nhất là nhà chung cư; vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở…. Đồng thời, Hội đồng khoa học đã có những nhận định, yêu cầu đối với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đó là, phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật có liên quan nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ bảy góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phiên họp thứ bảy của Hội đồng khoa học tiếp tục lấy ý kiến thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến góp ý cụ thể các nội dung của dự thảo, yêu cầu dự thảo Luật cần được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Hội đồng khoa học nhận định, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có liên quan mật thiết đến các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành (như: Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật An toàn, vệ sinh lao động;…), vì vậy, Hội đồng khoa học đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát, tránh mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực thi. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, bảo đảm phù  hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Ngoài ra, Hội đồng khoa học đã góp ý kiến nhiều vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chế độ bảo hiểm xã hội; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, các hành vi bị nghiêm cấm;…

Trên cơ sở ý kiến phát biểu trực tiếp và ý kiến góp ý bằng văn bản của các thành viên Hội đồng khoa học, chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung chính của các dự thảo Luật, Viện Nghiên cứu lập pháp đã xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Hội đồng khoa học. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng khoa học đã được Ban Soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Luật.

Các đại biểu phát biểu tại phiên họp thứ tám

Phát biểu tại phiên họp thứ tám, các ý kiến cho rằng, với cách thức tổ chức linh hoạt, đa dạng, vừa theo phương thức họp toàn thể, vừa theo phương thức xin ý kiến bằng văn bản đã mang lại hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng khoa học rất tâm huyết, có tính khoa học, phản biện và mang tính xây dựng cao.

Cũng theo các đại biểu, các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học được mời tham dự đã được ghi nhận, đánh giá cao; đóng góp thiết thực vào quá trình hoàn thiện các dự luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục bám sát hơn nữa hoạt động của Quốc hội để nâng cao hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp; Nghiên cứu thành lập các tiểu ban nghiên cứu chuyên sâu theo từng nhóm lĩnh vực để thảo luận trước về những vấn đề nổi cộm trong các dự án luật, phục vụ tốt hơn phiên họp của Hội đồng cũng như công tác tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới;..

Bên cạnh hình thức tổ chức các phiên họp toàn thể của Hội đồng khoa học để cho ý kiến vào những nội dung khó, phức tạp, một số thành viên Hội đồng đã tham gia làm Chủ nhiệm đề tài năm 2024 và thành viên các Ban Chủ nhiệm đề tài; tham gia nghiệm thu, phản biện; tham gia góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội trong năm 2023.

Chủ động, bám sát, song hành cùng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng khoa học

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng khoa học nhấn mạnh, năm 2023, Hội đồng khoa học của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng các yêu cầu, chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội đồng khoa học đã ban hành Định hướng một số nội dung nghiên cứu năm 2025 trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Hội đồng khoa học đã có đổi mới nhiều hình thức, cách thức hoạt động, có những đóng góp thực tế và thiết thực vào các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt đóng góp được nhiều nội dung thiết thực vào hoạt động của Quốc hội, tham gia góp ý các dự án luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)…

Trong năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bám sát, song hành cùng với các hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học; huy động và tạo điều kiện cho các thành viên Hội đồng khoa học tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, tham gia trực tiếp nghiên cứu các đề tài, tham gia góp ý các dự án luật lớn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 hoặc vấn đề lớn như: tiếp tục triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết Trung ương gần đây; Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, giám sát của Quốc hội,...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng hóa các hoạt động, gắn với hoạt động của Quốc hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, bám sát vào những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước.../.

Lê Anh - Trọng Quỳnh