GÓC NHÌN: HOÀN THIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH GIÁ ĐẤT TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Nhìn lại quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, luôn nhất quán chủ trương đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng DTTS và miền núi, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Qua đó, từng bước cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quán triệt tinh thần chủ trương lớn nêu trên, và từ thực tiễn công tác tham mưu, đề xuất của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, là một trong 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV, là một quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.
Ngày 26/11/2019 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành thực hiện chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhanh, bền vững. Điều này không chỉ khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng sâu, vùng xa mà còn thể hiện tư duy đổi mới, khoa học trong cách tiếp cận và xây dựng chính sách.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã nhận được sự đồng tình của cử tri cả nước và sự đón nhận của đồng bào các dân tộc; trong 10 dự án thành phần quan trọng của Đề án có dự án về: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6), với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 70% điểm đến du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đầu tư phát triển, khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống; Tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên 15%, riêng đối với khu vực các điểm đến tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi lên 30%; 50% lao động người dân tộc thiểu số trở lên hoạt động trong lĩnh vực du lịch được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch, dịch vụ, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Năm 2023, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội qua chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giàm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” để kịp thời điều chỉnh, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia này, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu của từng Chương trình đề ra.
Qua giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc triển khai thực hiện Dự án 06 đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là việc hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai một số hoạt động như: Tổ chức bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành (Thanh Hóa), huyện Quang Bình (Hà Giang)...; Tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: Mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), huyện Bát Xát (Lào Cai)...; Mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Lễ mừng cơm mới/lúa mới của người Bru Vân Kiều” trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình - Quảng Trị; Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn như: Một số nội dung hướng dẫn thực hiện dự án còn chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp với đặc thù của địa phương; công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thành phần của Dự án còn triển khai chậm, mới tập trung thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2022; các địa phương còn lúng túng trong xây dựng định mức, phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ thành phần của Dự án 6.
Ở mỗi giai đoạn phát triển, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS sẽ có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khác nhau, nhưng trong giai đoạn hiện nay, gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch được coi là chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp nhất. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS với phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Một mặt, để phát triển du lịch thì giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS sẽ là một nguồn tài nguyên du lịch văn hoá quan trọng, là nguyên liệu vô cùng quý giá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, làm cho các sản phẩm du lịch trở nên hấp dẫn, có giá trị kinh tế - văn hoá cao hơn. Mặt khác, thông qua phát triển du lịch, các địa phương sẽ có nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt hơn.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các vùng, miền trên cả nước, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới đạt kết quả tốt, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách này cần thống nhất một số quan điểm có tính nguyên tắc sau:
Một là: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch phải dựa trên quan điểm phát triển bền vững và du lịch bền vững. Theo đó, bên cạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS cần phải chú ý đến bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn với khai thác các giá trị văn hoá cho du lịch; hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng các DTTS với lợi ích nhà nước và của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; giữa phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch thông qua khai thác bản sắc văn hoá của cộng đồng các DTTS với đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn, trật tự xã hội.
Hai là: Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch phải góp phần nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS tại chỗ.
Ba là: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch cần định vị, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cùng với việc nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, tôi xin đề xuất một số giải pháp định hướng như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát sửa đổi bổ sung những cơ chế chính sách chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa thống nhất để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt là công tác kiểm tra, hướng dẫn cụ thể kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho chương trình được kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, quy hoạch, dự án,...về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS đã được Đảng, Nhà nước ban hành. Quan tâm, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, chính xác tiềm năng, lợi thế và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp hiện hữu của đồng bào DTTS.
Trên cơ sở đó, đề xuất các kế hoạch chiến lược trùng tu, tôn tạo, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS nói riêng một cách phù hợp.
Thứ ba, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS trong nội vùng, cả nước và quốc tế. Cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến để tham gia vào chuỗi giá trị cả nước và khu vực, quốc tế.
Thứ tư, nâng cao vai trò nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Các địa phương tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân tham gia khai thác các giá trị văn hóa để phát triển dịch vụ du lịch. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa, cung cấp dịch vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách.
Cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải).
Thứ năm, đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá sản phẩm du lịch.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương, với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, vận tải, doanh nghiệp lữ hành trong nước và ngoài nước tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng đến khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng những tour, tuyến hay chương trình du lịch để tăng cường thu hút khách du lịch đến vùng đồng bào DTTS tham quan, nghỉ dưỡng.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS.
Thứ sáu, phát huy vai trò của cộng đồng DTTS với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch.
Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá. Đặc biệt, trong hoạt động khai thác giá trị văn hoá cần quan tâm và đặt cộng đồng dân cư tại chỗ ở vị trí trung tâm, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cần phải góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần thực chất, bền vững cho người dân; nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống bản địa./.
|
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
|