ĐÓNG GÓP CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀO HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ

30/12/2023

​Theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường, thực tiễn tổ chức và hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Mô hình tổ chức Đoàn Đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức riêng có của Quốc hội nước ta, thích hợp với một Quốc hội mà đại đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm và điều kiện đảm bảo còn hạn chế.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK: ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN CÓ CHẤT LƯỢNG VÀO HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP, GIÁM SÁT VÀ QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Vai trò, vị trí quan trọng của Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Qua thực tiễn tổ chức và hoạt động 15 nhiệm kỳ Quốc hội có thể thấy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là hình thức tổ chức cần thiết, có vai trò quan trọng đảm bảo hoạt động của ĐBQH trong kỳ họp và thời gian giữa 2 kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Với mô hình tổ chức ban đầu, Đoàn ĐBQH có nhiệm vụ bảo đảm sự liên hệ giữa các ĐBQH được bầu tại một số địa phương hoặc một khu hành chính để trao đổi ý kiến, kinh nghiệm và nghiên cứu các vấn đề.

Theo Ths. Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, mô hình tổ chức Đoàn ĐBQH là hình thức tổ chức riêng có của Quốc hội nước ta, thích hợp với một Quốc hội mà đại đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm và điều kiện đảm bảo còn hạn chế, nhất là về kinh phí hoạt động. Qua 15 nhiệm kỳ Quốc hội, cơ sở pháp lý của Đoàn ĐBQH từng bước được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện (đầu tiên được quy định trong Nội quy kỳ họp tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I), sau đó được luật hóa lần đầu tiên tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960, và được bổ sung, sửa đổi trong các bản Hiến pháp các năm: 1980, 1992, 2013. Việc lập ra Đoàn ĐBQH của các địa phương có sự phát triển từ quy định có tính chất tùy nghi “có thể họp thành các đoàn đại biểu địa phương” (Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960) sang bắt buộc “Đoàn ĐBQH là tổ chức của các đại biểu Quốc hội” (Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014).

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, mô hình tổ chức Đoàn ĐBQH là hình thức tổ chức riêng có của Quốc hội nước ta, thích hợp với một Quốc hội mà đại đa số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm.

Vị trí của Đoàn ĐBQH xuyên suốt 15 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn là một tổ chức không đầy đủ, không phải là một cấp tổ chức trong bộ máy Quốc hội. Điều này cho thấy nguyên tắc cơ bản về vị trí của Đoàn ĐBQH trong Quốc hội luôn có sự thống nhất, dù diễn đạt ở mỗi văn bản quy phạm pháp luật, có sự khác nhau nhưng Đoàn ĐBQH không làm thay, không can thiệp, chi phối hoặc định hướng hoạt dộng của ĐBQH; không làm ảnh hưởng đến tính độc lập, tính đại diện cho cử tri và Nhân dân của ĐBQH trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH có sự phát triển từ vị trí là “đầu mối” liên hệ các ĐBQH với lãnh đạo Quốc hội, bảo đảm hoạt động của ĐBQH trong kỳ họp và giữa 2 kỳ họp, chuyển sang được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn mang tính quyền lực nhà nước (như quyền giám sát của Đoàn ĐBQH). Theo quy định của pháp luật hiện hành, Đoàn ĐBQH có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm hoạt động cho các ĐBQH trong Đoàn, đồng thời có quyền giám sát tại địa phương, có Trưởng Đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn hoạt động chuyên trách, có cơ quan giúp việc là Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, có trụ sở và được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường đánh giá: “Việc quy định có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đòn ĐBQH hoạt động theo chế độ chuyên trách đã làm thay đổi cơ bản tính thực chất hoạt động của Đoàn ĐBQH. Thực tế cho thấy, đóng góp của Đoàn ĐBQH vào hoạt động chung của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn trên cả 3 chức năng: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”.

 Tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Một trong hai chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Đoàn ĐBQH là thực hiện vai trò đầu mối tổ chức hoạt động cho ĐBQH trong Đoàn giữa hai kỳ họp. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH đã làm tốt vai trò đầu mối tổ chức để ĐBQH trong Đoàn và đại diện một số cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương tham gia góp ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các dự án Luật được gửi xin ý kiến theo chỉ đạo của UBTVQH; tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp; tiếp công dân định kỳ; xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH trong Đoàn; phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp thông tin cho ĐBQH về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn trước mỗi kỳ họp Quốc hội giúp ĐBQH chuẩn bị ý kiến phát biểu tại nghị trường sát với tình hình thực tế của địa phương.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, theo chỉ đạo của UBTVQH, Đoàn ĐBQH đã thực hiện đầy đủ, có chất lượng những nội dung công việc của Kỳ họp thuộc diện cần được tiến hành thảo luận ở phạm vi Đoàn, đặc biệt là những vấn đề về nhân sự và vấn đề có yêu cầu cao về bảo vệ bí mật nhà nước. Đoàn ĐBQH còn là đầu mối để ĐBQH giữ mối liên hệ với UBTVQH, lãnh đạo Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp, với Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp…

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhân danh Đoàn ĐBQH theo quy định của pháp luật. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, qua theo dõi hoạt động của các Đoàn ĐBQH có thể thấy, các Đoàn ĐBQH đã quán triệt và triển khai đầy đủ những nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định như: Gửi văn bản nhân danh Đoàn đóng góp ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự thảo luật theo yêu cầu của UBTVQH. Thực hiện chương trình hoạt động nói chung và Chương trình hoạt động giám sát hàng năm nói riêng của Đoàn. Tham gia ý kiến về việc giới thiệu ĐBQH trong Đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa sau. Báo cáo với UBTVQH về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH hai lần trong năm. Xây dựng và duy trì quan hệ công tác với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã phân công ĐBQH trong Đoàn tham dự các kỳ họp của HĐND, Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn tham dự các phiên họp của Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH cho thấy về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Có thể thấy, thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH cho thấy về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH nhìn chung đã đảm bảo các tiêu chí cơ bản của một tổ chức công quyền, đó là được thành lập theo luật, có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có cơ cấu tổ chức, nhân sự, trụ sở, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc.

Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Chưa quy định rõ mối quan hệ về công tác Đảng của Đoàn ĐBQH, trong đó có vị trí, vai trò của Trưởng đoàn là Tổ trưởng Đảng với Đảng đoàn Quốc hội, với cấp ủy địa phương, với cấp ủy nơi ĐBQH trong Đoàn ĐBQH sinh hoạt và cấp ủy nơi ĐBQH của Đoàn tham gia sinh hoạt hai chiều. Bên cạnh đó, nhân sự giữ cương vị Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn thiếu sự thống nhất giữa các địa phương trong cả nước. Do thực hiện quy định của Đảng về luân chuyển cán bộ, trong những năm gần đây biến động của nhiều Đoàn ĐBQH khá lớn nên đã ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức các hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Hiện nay, địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 43); Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết số 08/2002/QH11 về Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Để hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Đoàn ĐBQH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH; đồng thời quy định thẩm quyền cho UBTVQH hướng dẫn cụ thể bằng Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH thay vì bằng Nghị quyết của Quốc hội như hiện nay.

Quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia các hoạt động thuộc Chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH mà mình đã thảo luận và đồng ý thông qua. Có phương hướng xử lý mối quan hệ giữa Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH với các ĐBQH trong Đoàn bảo đảm hai yêu cầu: Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH không can thiệp, tác động hoặc cản trở các hoạt động của ĐBQH; Với tư cách là thành viên của Đoàn ĐBQH, ĐBQH có quyền được Đoàn tổ chức, bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, khi đó ĐBQH cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia vào các công việc của Đoàn theo sự phân công của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn.

Theo Ths. Lê Việt Trường, để đảm bảo hoạt động của Đoàn ĐBQH thực sự có chất lượng, cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Đoàn ĐBQH phải có tính chuyên nghiệp cao, tính chuyên môn sâu.

Quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện đảm bảo khi ĐBQH, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Vệt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định rõ mối quan hệ công tác giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, tổ chức xã hội ở địa phương theo hướng bổ sung quy định của pháp luật về chính quyền địa phương, pháp luật chuyên ngành về Mặt trận tổ quốc, Thanh niên, Cựu chiến binh, Luật sư, Công đoàn, Giáo dục, Y tế… về trách nhiệm tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát theo đề nghị của Đoàn ĐBQH khi Đoàn triển khai các hoạt động đó ở địa phương theo kế hoạch của Đoàn hoặc yêu cầu của UBTVQH.

Cần có giải pháp bảo đảm tính ổn định về số lượng ĐBQH của mỗi Đoàn ĐBQH để có điều kiện tổ chức các hoạt động với tư cách là một tổ chức của ĐBQH được bầu hoặc được chuyển đến công tác ở địa phương được thuận lợi. Đồng thời, quy định rõ hơn về quy trình, thủ tục ban hành các văn bản nhân danh Đoàn ĐBQH như: kết luận giám sát, kiến nghị của Đoàn giám sát, văn bản đôn đốc hậu giám sát… Cùng với đó, để đảm bảo hoạt động của Đoàn ĐBQH thực sự có chất lượng, cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Đoàn ĐBQH phải có tính chuyên nghiệp cao, tính chuyên môn sâu từ người đứng đầu Văn phòng đến đội ngũ chuyên viên, nhân viên phục vụ.

Lan Hương - Trọng Quỳnh