ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI: ĐỂ CHÍNH SÁCH SÁT THỰC TIỄN, HỢP LÒNG DÂN

04/01/2024

Tiếp xúc cử tri là hoạt động nổi bật thể hiện sự gắn kết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri. Thời gian qua, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri với nhiều đổi mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CẦN BÁM SÁT TINH THẦN CỦA HIẾN PHÁP, LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

Nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung

Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội từ khi thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, đã phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, của cử tri và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm cải tiến nội dung tiếp xúc cử tri và triển khai nhiều hình thức tiếp xúc cử tri chất lượng, hiệu quả.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình của các đợt tiếp xúc cử tri, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các địa phương được nâng lên rõ rệt. Thông kê cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội cơ bản nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri muốn gửi tới các kỳ họp Quốc hội. Nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời được cử tri cả nước đánh giá rất cao. Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.

Toàn bộ các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đều được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2022, Ban Dân nguyện đã giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức 42.455 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.

Tiếp xúc cử tri định kỳ kết hợp tiếp xúc cử tri chuyên đề

Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

Nghiên cứu về nội dung này, PGS. TS. Đoàn Tố Uyên, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quá trình triển khai việc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội đã có sự phối hợp tham gia khá tốt của các cơ quan hữu quan; quy mô và cách tổ chức khá chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung tiếp xúc thuận lợi hơn, việc các Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo lịch tiếp xúc trên các phương tiện thông tin đại chúng thu hút được nhiều cử tri tham dự hơn, công tác an ninh hội nghị tiếp xúc được đảm bảo,…. Ưu điểm của hình thức này là: do trong hội nghị tiếp xúc bao giờ cũng có đại diện lãnh đạo của Quận, huyện, phường, thị trấn, xã "tham dự", là những người làm công tác quản lý mọi mặt xã hội tại địa phương nên họ nắm chắc tình hình thực tế, giải quyết được ngay những thắc mắc, đòi hỏi của cử tri tại chỗ, đồng thời đề xuất những ý kiến có tầm đóng góp vĩ mô hơn; cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của từng đại biểu đối với Quốc hội trên cơ sở Chương trình hành động đại biểu đã báo cáo, hứa trước cử tri khi ứng cử; công tác tổ chức, phục vụ an ninh hội nghị tiếp xúc cử tri của các cơ quan đỡ phức tạp;…

Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế của hình thức tiếp xúc này là: thành phần cử tri tham gia cuộc tiếp xúc thường là những cán bộ chủ chốt ở các cấp, khá "quen thuộc" đại biểu sau vài lần tiếp xúc nên dễ có sự đơn giản, đơn điệu; thời lượng tiếp xúc còn ngắn, hạn chế; địa điểm còn khó khăn; …

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, PGS. TS. Đoàn Tố Uyên cho rằng, chưa được tổ chức nhiều, nhận thức việc tiếp xúc cử tri nơi cư trú còn khác nhau. Một số địa phương coi việc gặp gỡ thường xuyên của đại biểu Quốc hội với cử tri nơi cư trú cũng là hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Mặt khác, nhận thức về nơi cư trú của đại biểu còn chưa thống nhất là cử tri của phường hay cử tri của tổ dân phố. Trong khi đó, nơi cư trú của đại biểu Quốc hội lại là nơi ứng cử của đại biểu Quốc hội khác; nội dung tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú thế nào cũng chưa được quy định rõ ràng. Ngoài ra, việc tiếp xúc cử tri nơi cư trú còn phụ thuộc vào nhiều người có trách nhiệm tổ chức, vào thời gian cụ thể của địa phương,….

Nhận định đây là hình thức tiếp xúc cử tri có nhiều ưu điểm như: cử tri nắm bắt rõ được tính cách, lối sống, đạo đức của đại biểu, tạo không khí cởi mở trong việc trình bày ý kiến, kiến nghị và đại biểu cũng hiểu rõ tình hình thực tế nơi mình sinh sống qua đó có những đóng góp ý kiến thiết thực hơn đối với cuộc sống, PGS. TS. Đoàn Tố Uyên kiến nghị cần đẩy mạnh hình thức này trong thời gian tới.

PGS. TS. Đoàn Tố Uyên cũng cho rằng, hoạt động tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi Kỳ họp Quốc hội, phân loại và chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết ngày càng được đánh giá cao, là một trong những nguồn thông tin quan trọng giúp đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng pháp luật, thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại mỗi Kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như việc giải quyết các ý kiến đó còn một số bất cập, đòi hỏi Đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực hơn nữa và tìm ra giải pháp đúng để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng mong mỏi của cử tri.

 PGS. TS. Đoàn Tố Uyên, Đại học Luật Hà Nội 

Cùng quan điểm, Ths. Lê Hữu Nam, Vụ Tổ chức-Cán bộ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tiếp xúc cử tri có thể nói gần như là hoạt động nổi bật nhất để đại biểu gắn kết với cử tri, cử tri nghe đại biểu nói và nói để đại biểu nghe, là kênh mà cử tri thực quyền quyền dân chủ vừa thông qua đại biểu phản ánh ý kiến của mình tới nhà nước, vừa kiểm soát đại biểu.

Nhấn mạnh thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu đã từng bước được nâng lên, có nhiều đổi mới, đa dạng về phương thức, tuy nhiên, Ths. Lê Hữu Nam cũng chỉ ra một số bất cập như: Việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị; Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt;…

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và các văn bản luật liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri. Theo đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia tiếp xúc cử tri và giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan liên quan; có chế tài nghiêm đối với những trường hợp chậm giải quyết hoặc không giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến.

Đồng thời, cần chú trọng, tăng cường và đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, đặc biệt là tiếp xúc cử tri chuyên đề, nơi cư trú,…; Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của đại biểu trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hằng năm báo cáo với cử tri về kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Lê Anh

Các bài viết khác