TỌA ĐÀM THAM VẤN CHUYÊN GIA VỀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

05/01/2024

Sáng ngày 5/1, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ và Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đồng chủ trì tọa đàm.

TỌA ĐÀM THAM VẤN NỘI DUNG XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ THANH NIÊN, TRẺ EM QUA 40 NĂM ĐỔI MỚI

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự án Luật có bố cục gồm 09 chương, 81 điều, được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề ra một số chính sách bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em, như quy tắc an toàn của trẻ em trên ô tô; trách nhiệm của người đi bộ với trẻ em tham gia giao thông; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh… 

Về cơ bản, những quy định mới này được đánh giá là tiến bộ, là bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ trẻ em trong hệ thống pháp luật nước ta; đồng thời trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông đường bộ.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ an toàn cho trẻ em. Trong đó có việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Theo các đại biểu, mũ bảo hiểm là một phương tiện hiệu quả bảo vệ người ngồi trên mô tô, xe máy, giảm 42 - 69% nguy cơ tử vong và thương tích sọ não, đầu, mặt; giảm 24,7% chi phí điều trị tại bệnh viện. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 155 quốc gia có quy dịnh về đội mũ bảo hiểm đối với người lái, người đi cùng trên mọi loại đường; 98 quốc gia áp dụng chuẩn quốc gia, quốc tế cho mũ bảo hiểm. 

Các đại biểu nhấn mạnh, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%. Đáng chú ý, còn tình trạng hiểu không đúng về trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm; không phạt người lớn chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy; cũng chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi…

Đại diện các em học sinh tham gia Tọa đàm

Bên cạnh đó, đối với thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, mặc dù tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, gia tăng nhanh chóng và các gia đình trẻ có xu hướng ở ngoại thành, thường xuyên di chuyển quãng đường xa, song Việt Nam chưa có quy định pháp luật về thiết bị an toàn cho trẻ.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà nội là 2,6%, TP. Hồ Chí Minh 1,1%, Đà Nẵng 0%. Hầu hết người dùng do đã quen sử dụng khi ở nước ngoài.

Trong khi đó, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông. Trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150cm. Trẻ dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm cũng không được ngồi ghế trước của ô tô, vì đó là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm…

Các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xem xét quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở trẻ em khi tham gia giao thông, kể cả trẻ dưới 6 tuổi

Từ thực trạng trên, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xem xét quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở trẻ em khi tham gia giao thông, kể cả trẻ dưới 6 tuổi; tăng cường thực thi pháp luật đối với việc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không đúng cách; kiểm soát và chia sẻ thông tin về chất lượng mũ bảo hiểm…

Dựa trên khuyến nghị của WHO và quốc tế, nên quy định rõ việc bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn của trẻ em trên ô tô đối với trẻ đến 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 150cm; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị an toàn trên xe ô tô (chốt ghế, đệm an toàn…). Đặc biệt, quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước (dưới 12 tuổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ 

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, thời gian qua Đảng, Nhà nước, xã hội nói chung và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói riêng luôn dành nhiều sự quan tâm cho việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vấn đề tai nạn thương tích. Trên tinh thần tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia, các em học sinh, các phụ huynh... về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các ý kiến góp ý tại Tọa đàm sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu và tham gia góp ý đối với dự án Luật này trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Toàn cảnh Tọa đàm

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa

 TS. Nguyễn Hải Hữu- Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm

Các đại biểu tại Tọa đàm

 Các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng, một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ an toàn cho trẻ em. Trong đó có việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô và mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông

Các đại biểu cho rằng, mũ bảo hiểm là một phương tiện hiệu quả bảo vệ người ngồi trên mô tô, xe máy, giảm 42 - 69% nguy cơ tử vong và thương tích sọ não, đầu, mặt; giảm 24,7% chi phí điều trị tại bệnh viện

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 155 quốc gia có quy dịnh về đội mũ bảo hiểm đối với người lái, người đi cùng trên mọi loại đường; 98 quốc gia áp dụng chuẩn quốc gia, quốc tế cho mũ bảo hiểm

Các đại biểu nhấn mạnh, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại Việt Nam

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%. Đáng chú ý, còn tình trạng hiểu không đúng về trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm; không phạt người lớn chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy; cũng chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi…

Các đại biểu cho rằng, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông. Trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn

 Theo các đại biểu, nên quy định rõ việc bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn của trẻ em trên ô tô đối với trẻ đến 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 150cm; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị an toàn trên xe ô tô (chốt ghế, đệm an toàn…). Đặc biệt, quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước (dưới 12 tuổi)

Trên tinh thần tham vấn ý kiến góp ý của các chuyên gia, các em học sinh, các phụ huynh... về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các ý kiến góp ý sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu và tham gia góp ý đối với dự án Luật này trong thời gian tới

Thu Phương - Nghĩa Đức