PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước
Hiến pháp năm 2013 luôn đề cao vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn, tuân thủ và chấp hành pháp luật trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và thi hành, tổ chức thực hienj pháp luật của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ nói riêng.
Thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong những nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, phúc đáp yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám sát của Quốc hội đối với thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã được tăng cường trên tất cả phương thức, như: thẩm tra, xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ trên mọi mặt thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật; tiến hành giám sát chuyên đề; chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ…; giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ - những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành các phiên giải trình làm rõ trách nhiệm;…. đã góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia, dịch vụ công.
PGS.TSTrương Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Nội chính Trung ương
Nghiên cứu về nội dung này, PGS.TSTrương Thị Hồng Hà cho biết, Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập” (Điều 70, Hiến pháp năm 2013).
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới . Trong mô hình quản trị nhà nước này, kiểm soát quyền lực bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước Việt Nam là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực nhà nước là một loại quyền lực phái sinh từ quyền lực nhân dân, được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Từ đòi hỏi khách quan của xã hội, quyền lực này được lượng hóa, phân định thành các quyền lập pháp, quyền hành pháp và tư pháp. Sự lượng hóa này là để giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau, thay mặt nhân dân thực hiện, giúp nhân dân kiểm soát và đánh giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao. Đồng thời, cũng là để cho các cơ quan tương ứng được giao quyền đề cao trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực nhà nước và tự kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao của mình. Vì thế phân công quyền lực nhà nước là cơ sở, là đòi hỏi khách quan để thực hiện được việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, việc kiểm soát quyền lực của Quốc hội đối với Chính phủ ở Việt Nam có nhiều ưu điểm nổi bật như: Vai trò của Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lập pháp đối với Chính phủ, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là giám sát tối cao. Với thẩm quyền này, việc kiểm soát của Quốc hội đối với Chinh phủ tạo ưu thế trội hơn cho Quốc hội; Hình thức giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ thông qua nhiều hình thức pháp lý thể hiện tính quyền lực, tính tổ chức thống nhất và đa dạng (từ xét báo cáo, chất vấn, chuyên đề…bỏ phiếu tín nhiệm, thành lập uỷ ban điều tra) …
Đồng thời, chủ thể giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ thể hiện tính đa tầng của quyền lực lập pháp (Quốc hội tại phiên họp toàn thể; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa hai nhiệm kỳ, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội); Hậu quả pháp lý của giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ nghiêm khắc, công minh, không chỉ kiến nghị mà còn bao hàm cả xử lý;
Ngoài ra, việc Quốc hội tiến hành kiểm soát Chính phủ có mục đích khách quan, tự thân của Quốc hội và mong muốn Chính phủ thực thi quyền hành pháp đúng bản chất của Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh ưu điểm, kiểm soát quyền lực đối với Chính phủ từ hình thức giám sát của Quốc hội còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiên, do đó PGS.TS.Trương Thị Hồng Hà kiến nghị quan tâm đến những vấn đề như sau:
Một là, đổi mới tổ chức, hoạt động của từng cơ quan, trước hết là Quốc hội và Chính phủ để một mặt đảm bảo cho Quốc hội khả năng kiểm soát việc thực thi quyền lực của Chính phủ trong quá trình thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Mặt khác đảm bảo cho Chính phủ khả năng, điều kiện và phương thức phù hợp để kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội và Chính phủ.
Hai là, trong tổ chức thực hiện quyền lực, cần giải quyết giữa giám sát tối cao và xu hướng bảo dảm sự cân bằng nhất định giữa Quốc hội và Chính phủ để kiểm soát quyền lực của Quốc hội đối với Chính phủ bảo đảm tính khách quan. Sự cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo vào trò giám sát của từng thiết chế quyền lực trong từng hoạt động thực hiện quyền lực cụ thể.
Ba là, Chính phủ là đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội, là đối tượng chịu sự kiểm soát quyền lực với phạm vi rất rộng gồm toàn bộ hoạt động hành pháp của Chính phủ từ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật đến quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, cần tiếp tục làm rõ vị trí, tính chất chấp hành của Chính phủ trong mối quan hệ với Quốc hội. Đây là cơ sở, căn cứ để Quốc hội giám sát Chính phủ trong thi hành pháp luật.
Bốn là, trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chính phủ, cần thấy rằng, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ không chỉ là đối tượng chịu giám sát mà còn phải là chủ thể tác động tích cực trở lại các hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Sự tác động trở lại này không chỉ thể hiện trong báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giám sát mà còn phải được giải trình, được tranh luận trước các vấn đề đoàn giám sát nêu ra. Đặc biệt đối với các báo cáo giám sát, các kết luận giám sát, Chính phủ cần quy định về quyền nêu quan điểm của Chính phủ về các nội dung của báo cáo, nội dung các kết luận giám sát, quyền bảo lưu các ý kiến của mình về các vấn đề không thống nhất. Các ý kiến của Chính phủ về báo cáo, kết luận giám sát cũng phải được công bố khi các đại biểu thảo luận và là một nội dung thuộc hồ sơ giảm sát của Quốc hội.
Năm là, đối tượng bị kiểm soát là Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các thành viên Chính phủ, thông qua nhiều phương thức và công cụ khác nhau. Song thực tiễn cho thấy, trong số đại biểu Quốc hội còn có cả các thành viên của Chính phủ và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh. Do đó, đảm bảo cho kiểm soát quyền lực không mâu thuẫn, chồng chéo, cần có quy định rõ khắc phục thực trạng này. Có như vậy mới tăng tính khách quan, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây là biện pháp tăng cường kiểm soát quyền lực từ phía Quốc hội đối với thực hiện pháp luật./.