SỚM HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỆN KHÍ, BẢO ĐẢM CUNG CẤP ĐIỆN CHO NỀN KINH TẾ

29/01/2024

Phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Tuy vậy, Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), muốn phát triển điện khí theo Quy hoạch điện VIII cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, khả thi, thực tế và hiệu quả.

ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ TRÊN BỜ, NGOÀI KHƠI VÀ NHIỆT ĐIỆN KHÍ TRONG NƯỚC

DIỄN ĐÀN NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM LẦN THỨ 3: PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG ĐIỆN KHÍ VÀ ĐIỆN GIÓ

Sớm trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Ngày 13/12/2024, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 đã đánh giá việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; đồng thời khẳng định việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Trong đó, tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng bình quân 6,8%/năm theo hướng công nghiệp hóa, điện khí hóa; chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững đã được chú trọng nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng được chú trọng thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các dự án năng lượng sạch. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực điện khí, để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro… Tính toán, xác định cơ chế giá điện khí để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án điện, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí trong nước. Phát triển các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ tiên tiến, có hiệu suất cao, ít gây ô nhiễm môi trường, dự án điện khí với ưu tiên nguồn khí trong nước, dự án điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo theo hình thức tự sản, tự tiêu hoặc mua bán điện trực tiếp không qua EVN.

Phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu.

Quan tâm đến chính sách phát triển điện khí trong đảm bảo an ninh năng lượng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng tương đối đa dạng gồm thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí (gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng LNG), nhiệt điện dầu, điện mặt trời, điện giá… Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp so với thế giới. Hơn nữa, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng mỗi năm, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển do phụ thuộc các con sông và hồ, đập thủy điện. Nhiệt điện than - nguồn năng lượng cơ bản của nền kinh tế thời gian qua - sẽ không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế. Nhiệt điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành cũng khá cao, khó cạnh tranh với các loại hình khác. Điện hạt nhân vẫn chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Việt Nam cũng là quốc gia sớm nhận ra tác động bất lợi của việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch, vì vậy Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện giảm thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero) vào năm 2050, đã điều chỉnh và đưa ra được quy hoạch phát triển điện hướng tới tăng nhanh tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Trong thời gian gần đây, năng lượng điện gió và năng lượng điện mặt trời đã được khai thác sử dụng nhiều, mặc dù được coi là không phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, nhưng giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, lại không ổn định theo thời gian, mùa vụ.

Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2% (7,08GW) lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, có nhiều thách thức trong phát triển điện khí do nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới, giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu. Hơn nữa, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG; thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG. Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án.

Hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trong đó, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cùng với đó, rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

Về phát triển hạ tầng cần đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, vừa có khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần đầu tư xây dựng kho cảng LNG, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính... Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết…

Lan Hương

Các bài viết khác