Tham dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Về phía các bộ ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…
Chính phủ đề xuất 2 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư
Trình bày Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình và cho biết, CTMTQG vùng đồng bào DTTS&MN được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/20220/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiếu số. Đây là CTMTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cụ thể:
Một là, theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên nguồn vốn NSTW của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch và phân bổ vốn của các địa phương.
Vì vậy, cần báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình.
Hai là, một số địa phương khi được cơ quan Kiểm toán làm việc có đề nghị giải trình làm rõ sự phù hợp (thống nhất) chủ trương đầu tư của Chương trình đối với một số đối tượng thụ hưởng tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 đang được triển khai nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; những đối tượng này chưa được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Về quan điểm, mục tiêu điều chỉnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, các nội dung điều chỉnh cụ thể theo hướng bổ sung, làm rõ đối tượng thụ hưởng Chương trình và không trùng lắp với đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 120/2020/QH14. Điều chỉnh, bổ sung làm rõ một số đối tượng cụ thể ngoài địa bàn xã, thôn, vùng đồng bào DTTS&MN của Chương trình tại khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết 120/2020/QH14.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr nêu rõ, việc điều chỉnh, làm rõ các đối tượng như trên không làm thay đổi mục tiêu, chỉ tiêu và quy mô nguồn vốn của Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm được sự thống nhất giữa đối tượng thụ hưởng chính sách với địa bàn đầu tư; không làm phát sinh tăng đối tượng thụ hưởng chính sách, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các nội dung của dự án (nguyên tắc bố trí vốn, giải ngân, thanh quyết toán…) cho các đối tượng nêu trên trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
Tiếp đó, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Các ý kiến đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc
Qua thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và cho rằng, Hồ sơ trình của Chính phủ về số lượng, danh mục cơ bản bảo đảm theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công gồm: (1) Tờ trình của Chính phủ; (2) Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; (3) Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước; (4) Tài liệu khác.
Các ý kiến nhận thấy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là Chương trình DTTS&MN) được quy định tại Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 120) là xuất phát từ thực tiễn việc triển khai thực hiện Chương trình này còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Vì vậy Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định những giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện Chương trình là cần thiết, cấp bách.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Về thời gian trình, đa số các đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội từ ngày 21/12/2023, trong đó không kiến nghị rõ trình Quốc hội vào kỳ họp nào (Kỳ họp bất thường lần thứ 5, hay Kỳ họp Quốc hội thường kỳ lần thứ 7, tháng 5/2024 hoặc thời điểm nào khác). Nếu Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua thì không phù hợp, vì theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 21 của Luật Đầu tư công, Chính phủ phải gửi hồ sơ trước 60 ngày đến cơ quan chủ quản để thẩm tra, nếu đủ điều kiện, thấy phù hợp sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp. Vì vậy, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ vấn đề này.
Về điều chỉnh điểm b, khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120, các ý kiến cho rằng, quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120 làm cho địa phương lúng túng về cách hiểu dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch và phân bổ vốn của địa phương là chưa phù hợp, chưa thuyết phục. Vì trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình DTTS&MN (viết tắt là Quyết định 1719) đã nêu rất rõ tổng số vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; hàng năm Chính phủ trình và Quốc hội phân bổ ngân sách rất rõ từng dòng vốn đầu tư vốn sự nghiệp. Mặt khác, đến nay đã qua 03 năm thực hiện Chương trình, qua giám sát chuyên đề của Quốc hội, các địa phương vẫn hiểu rất rõ đâu là vốn đầu tư, đâu là vốn sự nghiệp để thực hiện và không có ý kiến phản ánh với Đoàn Giám sát do vướng mắc này mà dẫn đến chậm giải ngân vốn.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ sự phù hợp chủ trương đầu tư của Chương trình đối với một số đối tượng thụ hưởng tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 đang được triển khai nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giải quyết được các vướng mắc liên quan đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu quan tâm, trong đó có vấn đề về quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ Tờ trình của Ủy ban Dân tộc. Làm rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thẩm định, Ủy ban Dân tộc đã triển khai thực hiện rất nghiêm túc và đã trình Chính phủ, trên cơ sở đó, thay mặt Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã có Tờ trình trình UBTVQH, các thủ tục, hồ sơ đúng theo trình tự, thủ tục của quy định pháp luật. Qua Phiên họp thẩm tra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời sẽ bổ sung các tài liệu cung cấp thêm như Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của các cơ quan Chính phủ để Hội đồng Dân tộc nắm rõ thêm.
Cảm ơn và đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã quan tâm, triển khai sớm nội dung này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung, hoàn thiện các nội dung mà Bộ và các đại biểu đã nêu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr mong muốn sớm có chủ trương để đồng bộ chủ trương đầu tư Chương trình và báo cáo khả thi để khi kết thúc giai đoạn 1 thì các nội dung thực hiện được rõ nét. Do đó, nội dung trình của Chính phủ chủ yếu tập trung theo hướng bổ sung, làm rõ để đồng bộ chủ trương đầu tư. Đồng thời sẽ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, phối hợp các cơ quan liên quan để hoàn thiện Tờ trình và làm rõ các nội dung đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc, đồng thời mong muốn Tờ trình của Chính phủ cần tháo gỡ và đảm bảo thực hiện trong thực tiễn hiệu quả, đạt yêu cầu và mang tính pháp lý cao.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần xem xét tính phù hợp, tính đồng bộ và tính khả thi, căn cứ vào các báo cáo tổng hợp, kết quả giải ngân của Bộ Tài chính và các báo cáo, đánh giá tác động hiệu quả của các Chương trình mang lại.
Nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để đồng bào các dân tộc được thụ hưởng các chính sách đã ban hành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, việc bố trí vốn là cần thiết, cấp bách và cần phải làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát, sửa ngay các văn bản thuộc thẩm quyền có liên quan, nhất là các quyết định có liên quan đến tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, việc điều chỉnh này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc liên quan đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Hồ sơ của Chính phủ cần hoàn thiện trước ngày 15/3 tới để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4/2024.
Trong trường hợp cần thiết phải trình Quốc hội sửa Nghị quyết 120/2020/QH14, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, cần hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, Tờ trình, quan điểm sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội, chứ không sửa Nghị quyết của Quốc hội để chuẩn hóa lại đối tượng như Tờ trình hiện nay. Cùng với đó, phải làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và đặc biệt là tác động của việc điều chỉnh đối tượng, phạm vi sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc tổ chức thực hiện trong bối cảnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình còn gần 2 năm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ bổ sung chi tiết kèm theo danh mục các trường, các cơ sở văn hóa, y tế, số vốn ngân sách, các địa phương cụ thể gặp khó khăn vướng mắc cần Quốc hội cho chủ trương điều chỉnh. Hồ sơ của Chính phủ cần hoàn thiện trước ngày 15/3 tới để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4/2024, dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Đồng thời cho biết, qua các ý kiến phát biểu, quan điểm của Thường trực Hội đồng Dân tộc là sẽ báo cáo Quốc hội không ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này, mà đưa vào Nghị quyết Kỳ họp giao Chính phủ chuẩn hóa đối tượng, phạm vi thực hiện.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành rà soát, sửa ngay các văn bản thuộc thẩm quyền có liên quan, nhất là các quyết định có liên quan đến tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh góp ý về sự cần thiết và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư
Đại diện Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Phiên họp
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cảm ơn và đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã quan tâm, triển khai sớm nội dung này, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung, hoàn thiện các nội dung mà Bộ và các đại biểu đã nêu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu quan tâm, trong đó có vấn đề về quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ Tờ trình của Ủy ban Dân tộc./.