Toàn cảnh Phiên họp
Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Chương trình DTTS &MN để Quốc hội xem xét, quyết định là đúng pháp luật và thẩm quyền
Tại Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ "Báo cáo đề xuất điểu chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” do Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức vào sáng 30/01, sau khi Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về Tờ trình số 698/TTr -CP của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hồ sơ trình của Chính phủ về số lượng, danh mục cơ bản bảo đảm theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là Chương trình DTTS&MN) được quy định tại Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 120) là xuất phát từ thực tiễn việc triển khai thực hiện Chương trình này còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định những giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình này là cần thiết, cấp bách.
Về thẩm quyền điều chỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Chương trình DTTS &MN để Quốc hội xem xét, quyết định là đúng pháp luật và thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư công “quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định những giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình này là cần thiết, cấp bách
Về căn cứ pháp lý, Thường trực HĐDT cơ bản thống nhất với cơ sở pháp lý để điều chỉnh Chủ trương đầu tư của Chương trình DTTS&MN như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên theo tờ Trình Chính phủ, một trong những căn cứ quan trọng để đề xuất, trình Quốc hội sửa đổi chủ trương đầu tư là Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Nhưng tại Nghị quyết này, Quốc hội chỉ yêu cầu Chính phủ ngay trong 2023 “nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia…”, không yêu cầu điều chỉnh đối tượng, địa bàn thực hiện chương trình. Vì vậy, nếu xem đây là căn cứ chủ yếu để sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội thì chưa phù hợp.
Một số ý kiến cho rằng, đối tượng thực hiện của Chương trình được dẫn chiếu quy định cụ thể tại nghị Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, nếu phải sửa đổi thì phải sửa Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Có ý kiến cho rằng, đề nghị bổ sung thêm 02 căn cứ, cơ sở gồm: Cơ sở chính trị là Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về cơ sở thực tiễn, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, xuất phát từ kiến nghị đề xuất của một số bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, năm 2023 báo cáo của các địa phương và Chính phủ phục vụ cho giám sát tối cao của Quốc hội không kiến nghị, đề cập đến nội dung này. Vì vậy, Thường trực HĐDT đề nghị Chính phủ, báo cáo rõ thêm những vướng mắc cụ thể của địa phương về nội dung này.
Về điều chỉnh điểm b, khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy định về vốn tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120 hiện tại quy định là: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên nguồn vốn Ngân sách Trung ương của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch và phân bổ vốn của các địa phương. Vì vậy, đề nghị, bổ sung sửa đổi là: “Nguồn vốn đầu tư được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định”.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, lý do quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết 120 làm cho địa phương lúng túng về cách hiểu dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch và phân bổ vốn của địa phương là chưa phù hợp, chưa thuyết phục. Vì trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình DTTS&MN (viết tắt là Quyết định 1719) đã nêu rất rõ tổng số vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; hàng năm Chính phủ trình và Quốc hội phân bổ ngân sách rất rõ từng dòng vốn đầu tư vốn sự nghiệp. Phần vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ giao cho địa phương, hiện nay vốn sự nghiệp cũng đã được Chính phủ thông báo dự kiến trung hạn để các địa phương có căn cứ chủ động trong việc triển khai thực hiện.
Mặt khác, đến nay đã qua 03 năm thực hiện Chương trình, qua giám sát chuyên đề của Quốc hội, các địa phương vẫn hiểu rất rõ đâu là vốn đầu tư, đâu là vốn sự nghiệp để thực hiện và không có ý kiến phản ánh với Đoàn Giám sát do vướng mắc này mà dẫn đến chậm giải ngân vốn.
Về điều chỉnh, làm rõ đối tượng thực hiện của Chương trình tại Nghị quyết 120, Tờ trình của Chính phủ cho rằng, tại Nghị quyết số 120 quy định đối tượng thực hiện của Chương trình theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: “Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”, dẫn đến khi Kiểm toán làm việc có đề nghị giải trình làm rõ sự phù hợp (thống nhất) chủ trương đầu tư của Chương trình đối với một số đối tượng thụ hưởng tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7 đang được triển khai nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một số cơ sở giáo dục, công trình văn hóa tiêu biểu, trường nội trú nằm trên địa bàn thị trấn, không phải xã và không thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.
Vì vậy, quan điểm của Chính phủ cho rằng, Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư để: làm rõ một số đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư, hỗ trợ theo các dự án, tiểu dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg nhưng chưa được rõ trong Nghị quyết số 120.
Thường trực HĐDT thấy rằng, tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ “chỉ đạo xây dựng báo cáo khả thi theo quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý điều hành quy định tại Nghị quyết 88/2019/QH 14 về phê duyệt đề án tổng thể”, tức là những nội dung cụ thể Chính phủ quy định cần phải theo quan điểm, mục tiêu, nội dung trong các Nghị quyết của Quốc hội. Hiện nay Chính phủ đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư để mở rộng đối tượng cho phù hợp với Quyết định 1719 là không đúng về nguyên tắc trên.
Thường trực HĐDT cũng cho rằng, Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ để chuẩn hóa đối tượng thực hiện Chương trình là không phù hợp. Mặt khác, Quốc hội mới ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc chủ động điều chỉnh kế hoạch, dự toán, sẽ có tác động, tạo điều kiện rất lớn cho các địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay.
Chính phủ cần bổ sung hồ sơ, làm rõ thêm sự cần thiết, cơ sở, thẩm quyền sửa đổi cho cụ thể, thuyết phục, khả thi
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ cần bổ sung hồ sơ, làm rõ thêm sự cần thiết, cơ sở, thẩm quyền sửa đổi cho cụ thể, có tính thuyết phục hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ
Căn cứ vào hồ sơ, sự cần thiết tại Tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, hiện tại không đủ cơ sở, căn cứ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN.
Tuy nhiên, việc tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Các chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến, đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ, làm rõ thêm sự cần thiết, cơ sở, thẩm quyền sửa đổi cho cụ thể, có tính thuyết phục hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ. Hồ sơ Chính phủ cần hoàn thiện theo quy định và trình Quốc hội tại Kỳ họp thường kỳ lần thứ 7 vào tháng 5/2024, nếu đủ cơ sở, đề nghị Quốc hội đưa vào nội dung giao Chính phủ chuẩn hóa đối tượng, danh mục cụ thể tại Nghị quyết của Kỳ họp.
Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh các Quyết định liên quan đến phân định vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo khoa học, phù hợp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập về đối tượng như hiện nay. Nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú đóng trên địa thị trấn huyện, các công trình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn khu vực miền núi.
Riêng đối với các trường (nội trú, dự bị đại học…) thuộc địa bàn thành phố, thị xã; công trình văn hóa tiêu biểu Quốc gia; trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện có xã thuộc vùng đồng bào dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ rà soát báo cáo số lượng, danh sách cụ thể và nhu cầu đầu tư để Quốc hội có cơ sở xem xét. Đặc biệt việc đề xuất này phải làm rõ tính cấp thiết, không chồng chéo với các Chương trình khác và phải đảm bảo nguyên tắc “…tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất” đã được quy định tại Nghị quyết 120; đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh và điều kiện, tính khả thi trong tổ chức, triển khai thực hiện (nếu được Quốc hội phê duyệt); đánh giá chi tiết, cụ thể về hiệu quả của Chương trình sau điều chỉnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị Chính phủ cần bổ sung Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành tham gia thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN, nhất là Báo cáo của Bộ Tài chính tại báo cáo số 12074/BTC-BC ngày 06/11/2023; Báo cáo số 8124/NHNN-TD ngày 19/10/2023 của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan khác.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lò Thị Việt Hà cơ bản thống nhất với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry băn khoăn về sự điều chỉnh mục tiêu có phù hợp với nguyên tắc trong Nghị quyết 120 đã nêu hay không? Đồng thời đề nghị cần rà soát các vướng mắc thực sự trong quá trình thực hiện và cho rằng, nội dung này không nên ban hành Nghị quyết riêng, nên đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp tới vào tháng 5/2024.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Lưu Văn Đức cơ bản thống nhất cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình DTTS&MN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên đề nghị Quốc hội đưa vào nội dung giao Chính phủ chuẩn hóa đối tượng, danh mục cụ thể tại Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu quan tâm
Toàn cảnh Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp./.