Cùng dự cuộc làm việc có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cùng các cán bộ Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.
Quang cảnh cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2023, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật có nhiều đổi mới và đạt được các kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều mặt, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đã phối hợp trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 05 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Phối hợp chặt chẽ tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, văn bản dưới luật có liên quan và báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc tổ chức thành công Hội nghị và việc tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được bầu chọn là 02 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023.
Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ lập pháp, tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 với 19 nhiệm vụ lập pháp mới, trong đó có 02 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp phụ trách. Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao (cả từ cấp chuyên viên, cấp vụ và cấp lãnh đạo hai cơ quan). Các bên luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, cầu thị, luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật tại cuộc làm việc.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị trong năm 2024 và các năm tiếp theo, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên về tiến độ, kế hoạch thực hiện, những khó khăn, vướng mắc (nếu có)… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phối hợp nghiên cứu, có giải pháp xử lý, khắc phục.
Đồng thời tăng cường phối hợp tổ chức, tham dự các hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát để phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của các bên...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2023 giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp.
Bày tỏ đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2023 giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, để đạt được những kết quả trên, 2 cơ quan đã phải làm việc ngày đêm, phát huy được những lợi thế sẵn có, dễ hiểu nhau, dễ chia sẻ với những khó khăn thách thức của nhau để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật.
Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2024 với khối lượng các dự án Luật là rất lớn, đặc biệt là dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp một cách chặt chẽ, từ sớm, từ xa để hiểu hơn quan điểm của nhau, chia sẻ những ý kiến còn sự khác biệt, đồng thời hỗ trợ nhau sớm đi đến thống nhất, đồng thuận cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ vì mục tiêu chung bảo đảm chất lượng công tác xây dựng pháp luật.