CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH: QUỐC HỘI KHÔNG NGỪNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH, THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

08/02/2024

Nghị quyết số 29-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29, Quốc hội đã không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29, Quốc hội đã không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Quốc hội ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách về giáo dục, đào tạo

Từ khi Đảng thành lập đến nay, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về giáo dục và đào tạo được ban hành và đi vào cuộc sống, trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Nghị quyết 29/NQ-TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta về giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, luôn là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước.

Thực hiện chức năng của mình, Quốc hội đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, luật hóa nhiều định hướng lớn về đổi mới giáo dục và đào tạo; cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 29 với nhiều chính sách lớn, tạo điều kiện để Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng, phát triển giáo dục theo định hướng đã đề ra.

10 năm qua, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013, thông qua 25 luật và 28 nghị quyết có nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo. Trong đó, có 3 luật chuyên ngành về giáo dục và đào tạo, gồm: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, cụ thể hóa tinh thần đổi mới trong nhiều quy định cho các cấp học, trình độ đào tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng rà soát, lồng ghép các nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo trong các luật, bộ luật khác để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.

Đồng hành với ngành giáo dục để thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới

Để bảo đảm các quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo được ban hành đi vào cuộc sống, thực sự tạo chuyển biến đối với giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, mặc dù Quốc hội chưa giám sát tối cao lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhưng nội dung này được lồng ghép trong các chuyên đề khác trong 10 năm qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát 2 chuyên đề về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và ban hành các nghị quyết quan trọng. Mới đây nhất là giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” năm 2023. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan được giao phụ trách lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngoài giám sát hàng năm, đã tiến hành 13 hoạt động giám sát chuyên đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” 

Trên cơ sở đánh giá v những kết quả, hạn chế trong thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật, các Đoàn giám sát đã có những kiến nghị cụ thể gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành để góp phần tăng cường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, các phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng góp phần tạo chuyển biến tích cực cho ngành giáo dục. Ví dụ, sau phiên giải trình của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nội vụ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị, chấp thuận bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Đây là minh chứng cụ thể cho thấy Quốc hội đồng hành với Chính phủ, với ngành giáo dục để thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là trọng trách của ngành giáo dục thời gian tới

Sau 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo.

Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là trọng trách của ngành giáo dục thời gian tới.

Để đạt mục tiêu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, trong tổng thể phát triển giáo dục và đạo tạo, cần quan tâm tới một số vấn đề. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Đầu tiên, cần tiếp tục khẳng định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục. Cần tiếp tục tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng chỉ dựa vào đầu tư của Nhà nước là không đủ, cần có chính sách hiệu quả để thu hút được nguồn lực từ xã hội; đồng thời quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung, khối ngoài công lập nói riêng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo phát triển nhanh hơn. Quốc hội, Chính phủ đang có chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo, mong muốn tạo ra chính sách đột phá từ đào tạo đến tuyển dụng, bồi dưỡng, tập huấn, đãi ngộ... để tạo dựng được đội ngũ giáo viên tốt hơn. Thực tế, trong môi trường sư phạm, giáo viên luôn có vai trò quan trọng.

Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Một trong những yêu cầu lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, ưu đãi giáo viên địa bàn còn khó khăn, học sinh, sinh viên nghèo.

Thứ tư, chú trọng xây dựng văn hóa học đường, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Môi trường sư phạm phải vừa có sức cạnh tranh về học thuật; vừa phải là môi trường văn hóa để học sinh, sinh viên rèn luyện, trưởng thành về nhân cách, phát triển toàn diện, đáp ứng các chuẩn mực của xã hội.

Cuối cùng, bảo đảm sự nhất quán, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cần phải là một hệ thống nhất quán, có sự bổ trợ, hỗ trợ cho nhau./.

Thu Phương- Nghĩa Đức