ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM THAM DỰ PHIÊN ĐIỀU TRẦN NGHỊ VIỆN TẠI LIÊN HỢP QUỐC
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên đối thoại cấp cao về Hội nhập kinh tế ASEAN.
Phát biểu tại phiên đối thoại, đại diện Ban Thư ký ASEAN cho biết, khối đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế quan trọng trong những năm gần đây, và năm 2024 sẽ là năm bản lề nhằm đưa ra chiến lược dài hạn cho tầm nhìn của khối sau năm 2025, giúp ASEAN tái định hình như 1 khối có tầm ảnh hưởng và tính cạnh tranh toàn cầu.
Đại biểu quốc hội các nước ASEAN cho biết tầm nhìn sau năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội đi kèm với những thách thức, vì thế các nước ASEAN cần tăng cường khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cải thiện khả năng sản xuất, trau dồi lực lượng lao động chất lượng cao và cùng phát triển nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn.
Tại phiên đối thoại, nghị sỹ các nước ASEAN đã trao đổi quan điểm trong việc xây dựng các nội dung phát triển hợp phần kinh tế của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính, gồm: đánh giá và nhìn lại những thành công, thách thức trong quá trình triển khai kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; Xây dựng một ASEAN có định hướng hành động, bền vững, có khả năng thích ứng và toàn diện.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến tham dự phiên đối thoại trực tuyến từ điểm cầu trụ sở các cơ quan của Quốc hội.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, ASEAN là điểm sáng với triển vọng lạc quan trong tương lai, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) và là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…; ASEAN luôn đứng vững và chưa bao giờ có vị thế tốt đẹp như ngày nay, một tinh thần ASEAN tự lực - tự cường, gắn kết và chủ động thích ứng, đoàn kết - thống nhất, sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Đà tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN được giữ vững với dự báo tích cực đạt 4,6% trong năm 2023 và 4,9% trong năm 2024. Thương mại của ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng gần 15%, đạt 3.800 tỷ USD. Đầu tư đạt mức cao kỷ lục hơn 224 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế khu vực vẫn tiềm ẩn rủi ro và chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...
ASEAN đã nỗ lực thể hiện vai trò trung tâm, là một trong những chủ thể chính trong kiến tạo, định hình và dẫn dắt trong môi trường an ninh đối với cấu trúc hợp tác và trật tự khu vực. Các xu thế của thời đại đặt ra cho ASEAN yêu cầu đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong hành động và đột phá trong ý tưởng để có thể tận dụng tối ưu các động lực tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế biển xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với những định hướng xuyên suốt, nhằm xây dựng một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, xác lập khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn của ASEAN trong 20 năm tới là một vấn đề đang được ghi nhận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại phiên đối thoại.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng “hiện 6 yếu tố cốt lõi đã được thống nhất làm nền tảng xây dựng Tầm nhìn ASEAN bao gồm định hướng hành động; bền vững; mạnh dạn, táo bạo và đổi mới; thích ứng và chủ động, nhanh nhẹn và kiên cường; bao trùm, tham gia và phối hợp, bởi lẽ cần phải thiết lập được một chương trình nghị sự mới rõ ràng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, thích ứng với những tiến bộ công nghệ, thay đổi địa chính trị và chuyển đổi kinh tế vốn đang làm thay đổi trật tự toàn cầu hiện nay”.
Trong quá trình đó, Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) và các nghị viện thành viên đã đóng vai trò hết sức quan trọng vì thể hiện được tiếng nói của nhà nước, chính đảng, nhân dân ở các nước thành viên. Những đóng góp của AIPA đã được thể hiện rõ trong quá trình phát triển của mình và có uy tín quốc tế ngày càng cao.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN và Nghị viện thành viên AIPA nỗ lực xây dựng một ASEAN - một AIPA vững mạnh, đồng thời chủ động thích ứng, "biến nguy thành cơ", hướng tới cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Phiên đối thoại được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Để xây dựng một ASEAN có định hướng hành động, bền vững, có khả năng thích ứng và toàn diện, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đưa ra các đề xuất. Cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm, giá trị chiến lược của ASEAN. Tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận với lập trường, quan điểm chung của ASEAN, theo “phương cách ASEAN”. Kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.
Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác nội khối cả về thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân và chuyển giao công nghệ, hợp tác tài chính và tiền tệ, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số an toàn và bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, tăng cường quan hệ ASEAN với các đối tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thảm họa thiên tai, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia... Tăng cường hợp tác tiểu vùng, góp phần bảo đảm tăng trưởng bao trùm, phát triển đồng đều và bền vững...
Thứ ba, nghị viện các nước cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường vai trò giám sát Chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hướng tới tầm nhìn sau năm 2025.
Thứ tư, AIPA cần tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh nghị viện và Chính phủ các nước. Tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là quan sát viên của AIPA để tạo ra “sức mạnh tập thể” góp phần hóa giải những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Thứ năm, tăng cường trao đổi, xây dựng, thực thi các nghị quyết giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế, khai thác hết tiềm năng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp…