TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 22/02: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 30 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

22/02/2024

8h00 sáng 22/02/2024, Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về: Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 và Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 18/01: BẾ MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Tại phiên họp, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc tiến hành xem xét, cho ý kiến về:

- Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

- Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp;

- Xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật chi tiết nội dung:

8h00: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ 30 trong thời gian 1 ngày để xem xét 05 nội dung quan trọng.

Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương…

Tiếp theo Chương trình phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và chỉ đạo phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

8h01: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cho biết phiên thường kỳ thứ 30 thường kỳ tháng 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong thời gian 1 ngày sẽ xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính.

Thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là một dự án luật trong tổng số 9 dự án luật mà đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ hai,   Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Thứ ba, xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023).

Thứ năm, Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

8h12: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

8h13: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 61 điều.

Về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật). 

Về tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ, giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động thuộc lưu trữ tư hay lưu trữ nhà nước. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành đề nghị quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử (khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số như thể hiện tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Về lưu trữ tư, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu.

Đồng thời bổ sung Điều 47 về ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; (2) bổ sung Điều 48 về tặng cho tài liệu lưu trữ tư; (3) chỉnh lý quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về ký gửi, tặng cho, mua bán và việc mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài để quy định đầy đủ, bao quát hơn về tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt như thể hiện tại Điều 49.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ như thể hiện tại Điều 50 và Điều 51 của dự thảo Luật. 

Về quy định “Ngày lưu trữ Việt Nam” trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 05/02/2024, Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam có Văn bản số 03/TWHVTLTVN-KHĐT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét đưa quy định về Ngày Lưu trữ Việt Nam (ngày 03 tháng 01 hằng năm) vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép đưa quy định về Ngày Lưu trữ Việt Nam vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

8h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án luật này đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Sau Kỳ họp, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để tổng hợp, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý một cách khẩn trương, nghiêm túc, toàn diện, đầy đủ, tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực lưu trữ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp đã đầy đủ. Trong quá trình triển khai, các cơ quan luôn quán triệt tinh thần tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến hợp lý, có sức thuyết phục, với những nội dung không tiếp thu thì phải có giải trình với cơ sở hợp lý, bám sát các nguyên tắc khi xây dựng luật, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, thúc đẩy tư tưởng mới về công tác xây dựng ngành lưu trữ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ theo mô hình kinh tế mới, tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân, xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những nội dung cơ bản đã được nêu trong báo cáo như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; lưu trữ tư; hoạt động dịch vụ lưu trữ; quy định “Ngày lưu trữ Việt Nam” và các nội dung khác các đại biểu quan tâm.

8h36: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo của Uỷ ban Pháp luật cùng với Bộ Nội vụ đã tiếp thu, giải trình rất hợp lý các ý kiến ĐBQH nêu tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý thêm về hoạt động lưu trữ của một số Hội đặc thù, về hoạt động lưu trữ cấp xã, về hoạt động lưu trữ của Văn phòng Quốc hội.

Về hoạt động lưu trữ của một số Hội đặc thù, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với phương án 1 và thống nhất quy định hoạt động lưu trữ với các Hội đặc thù theo Quyết định 118 của Ban Bí thư là giữ như luật hiện hành, không tán thành theo phương án 2 vì các hội như Hội Chữ thập đỏ, Hội Nhà báo, Hội Luật sư… đều rất quan trọng để đảm bảo nguồn lưu trữ, đảm bảo tính bảo mật và phát huy thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, lịch sử cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hiện dự thảo Luật chỉ quy định hoạt động lưu trữ đối với tài liệu của HĐND và UBND mà không có quy định đối với cấp Đảng ủy thì không thỏa đáng. Vì các tài liệu lưu trữ của Đảng ủy là những chủ trương để lãnh đạo hoạt động của xã rồi mới thể chế ở HĐND và quy định ở UBND. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nguồn tài liệu phải đủ ở cả 3 nguồn lưu trữ đối với cấp Đảng ủy, HĐND và UBND, đồng thời để tương thích, điểm d khoản 2 Điều 17 cần phải sửa đổi theo nội dung này.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị quy định ở điểm a khoản 1 Điều 17 bổ sung thêm một chủ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đầy đủ, theo đó quy định như sau: VPQH nộp tài liệu lưu trữ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Về thời hạn nộp tài liệu lưu trữ lịch sử quy định ở khoản 3 Điều 16, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành với đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật, theo đó rút ngắn thời hạn nộp tài liệu lưu trữ lịch sử là 5 năm, tính từ năm nộp tài liệu lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nên bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 7 là không nộp tài liệu lưu trữ theo quy định bao gồm cả thời gian nộp và loại tài liệu phải nộp. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, hành vi này cần phải nghiêm cấm và được quy định tại Điều 7 của Luật.

8h43: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ thống nhất với các ý phát biểu và các nội dung của Báo cáo  một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, mặc dù Ủy ban Pháp luật cũng đã làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được thực sự giải quyết triệt để. Cụ thể, hiện vật thể được chia làm 03 loại: di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, hiện trong dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) mới chỉ quy định 02 loại tài liệu lưu trữ (tài liệu lưu trữ và tài liệu lưu trữ đặc biệt). Do vậy cần phải làm rõ hơn về thẩm quyền xác định tài liệu lưu trữ; quyền sở hữu, mua bán, thừa kế, chuyển nhượng…

8h47: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong tiếp thu, chỉnh lý luật, cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, đảm bảo công tác xây dựng luật đúng tầm vóc của Quốc hội, nhìn nhận rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào, để có định hướng đúng đắn cho công việc tiếp theo. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa luật sửa đổi với các công ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước trong lĩnh vực này, vì vậy, cần rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn.

Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương. Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cao về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia. 

Về tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của hội, quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Theo đó, nên giữ như quy định hiện hành, do đã có quy định rõ ràng về vấn đề này, không nên thiết kế 2 phương án, mà Điều 8 nên thực hiện theo phương án 1. 

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, do vậy trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.

9h11: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Quan tâm đến nhóm chính sách về chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị bổ sung vào Điều 5 của dự thảo luật cụm từ “khuyến khích chuyển đổi số”, bởi nếu chỉ quy định về lưu lưu trữ Việt Nam hiện đại chưa đủ.

Tại Điều 10 của dự thảo luật, bên cạnh xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu cân nhắc bổ sung thêm thành tố đó là số hóa – đây cũng là nhiệm vụ của lưu trữ. Vì vậy, cần bổ sung quy định về số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu vào trong Điều 10; đồng thời cần có quy định về việc kết nối, chia sẻ tư liệu quý giữa các cơ quan để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng đề nghị cần rà sát các cụm từ về xác thực số tại Điều 30; các hệ thống thông tin của kho lưu trữ số và hệ thống thông tin lưu trữ của các tài liệu và tín hiệu số tại Điều 32… để đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật.

9h14: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tiếp thu, giải trình các nội dung ý kiến

Giải trình về các vấn đề quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, đồng thời khẳng định, Ủy ban Pháp luạta và Bội Nội vụ đã có sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì ngay từ Kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến một cách đồng bộ, đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế ở địa phương, khảo sát các cơ sở lưu trữ công, lưu trữ tư, từ đó, tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo yêu cầu, đáp ứng được mong mỏi về nâng cao chất lượng của Luật Lưu trữ (sửa đổi). 

Do đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, hai cơ quan đã nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, khoa học theo hướng tiếp thu tối đa ý kiến, cầu thị, đồng thời đảm bảo yêu cầu sắp xếp, kết cấu lại dự thảo Luật và tiếp thu hợp lý từ ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Cảm ơn các ý kiến phát biểu của các Ủy viên UBTVQH, đặc biệt là ý kiến gợi mở của Chủ tịch Quốc hội có nhiều vấn đề hay và sâu sắc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu tối đa và phối hợp với Ủy ban Pháp luật hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo được mong muốn của UBTVQH và lãnh đạo Quốc hội.

Về thẩm quyền quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu nội dung này và cho rằng, đối với tài liệu lưu trữ cấp xã hiện nay, đồng tình với ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội đã nêu và sẽ nghiên cứu, xem xét thêm tài liệu lưu trữ của khối Đảng.

Về nguồn tài liệu lưu trữ của Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là căn cứ vào các tổ chức của Quốc hội để tính toán, thiết kế phần này đảm bảo đầy đủ, toàn diện và bao trùm.

Về tài liệu lưu trữ điện tử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ lưu ý đến vấn đề kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin của các khối, nhất là khối Đảng, khối ngoại giao và các khối liên quan để đảm bảo việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Về giải thích từ ngữ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và rà soát lại các nội dung này để đảm bào phần giải thích từ ngữ được tường minh, chặt chẽ, khoa học, đảm bảo tính đại chúng và phù hợp với quy định về ngôn ngữ lập pháp.

9h24: Phó Thủ tướng Chính  phủ Trần Lưu Quang phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau phiên họp, Chỉnh phủ sẽ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các ngành có liên quan để rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch đề ra.

9h25: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đã được Quốc hội cho ý kiến. Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo yêu cầu, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tài liệu liệu trình tại Phiên họp này.

Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, trong đó có các ý kiến phát biểu tiếp thu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo luật; đồng thời hoàn thiện báo cáo tiếp tục giải trình để trình Quốc hội, trước hết là chuẩn bị tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thời gian tới.

9h31: Nghỉ giải lao

 

9h52: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023)

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 01/2024. 

Sau đây, Phiên họp sẽ nghe Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo tóm tắt công tác Dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 01/2024.

9h53:  Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác Dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 01/2024

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12 năm 2023 và tháng 01 năm 2024, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đảm bảo cho người dân được vui tươi đón tết đầm ấm, vui vẻ. 

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cấp chính quyền đã có các giải pháp đảm bảo đầy đủ hàng hóa và kiểm soát giá cả để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết; các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. 

Đặc biệt, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối người điều khiển phương tiện giao thông, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ…

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện đã nhận được 1.155/1.292 văn bản trả lời. Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn trả lời nhưng vẫn còn 126 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6 vẫn chưa được giải quyết, trả lời. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 924 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời đúng thời hạn.

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay, cụ thể là chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và giải pháp khắc phục tình trạng này; có giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động khi chủ sử dụng lao động nợ đọng kéo dài, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đảm bảo vắc xin phân bổ về cho các địa phương để thực hiện tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cho trẻ em, phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm; Giao Bộ, ngành hữu quan khẩn trương tham mưu, trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của Nhà máy điện gió; Giao Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu về tác động của cánh quạt tuabin điện gió và tiếng ồn của tuabin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về tiếng ồn, khoảng cách an toàn của cột tháp gió nhằm giảm thiểu tác động đến đời sống và sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn đối với công trình điện gió.

10h18: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận.

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về những nội dung được nêu trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024; đồng thời quan tâm đến công tác chăm lo tết cho người dân, công tác phòng chống tham nhũng, công tác đảm bảo an ninh trật tự, về lo lắng của cử tri đối với tình trạng động đất xảy ra thời gian qua…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, người dân cũng quan tâm lo lắng một số vấn đề như cháy rừng, cháy nổ, mua bán sử dụng pháo nổ trái phép, một bộ phận lao động tiếp tục thiếu việc làm, an toàn giao thông trong dịp Tết, kinh tế - xã hội còn khó khăn, sức mua trước trong và sau Tết giảm so với các năm trước, tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng trẻ em dẫn đến nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, tình trạng trốn, chậm đóng bảo hiểm, nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, còn 126 kiến nghị của cử tri và nhân dân quá thời hạn nhưng chưa được trả lời; tình hình khiếu nại tố cáo trong tháng 12/2023 và tháng 01/2024 giảm về số lượng so với các năm trước nhưng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các đoàn đông người…

Trên cơ sở hoạt động tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngoài các cái nội dung đã nêu trong báo cáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm về các vấn đề khác cần tập trung chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có phương án chỉ đạo giải quyết.

10h23: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Cử tri và nhân dân ghi nhận các nỗ lực trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông tại các địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo từ sớm, từ xa, triển khai sớm mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cho dịp Tết. Nhờ sự chủ động nhập cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang cả nước, trong đó có lực lượng công an làm nòng cốt, cơ sở, Tết Nguyên đán đã đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Bộ Công an đã góp sức để đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ, nghiêm trọng. 

Về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các lực lượng đã thực hiện quyết liệt, làm việc xuyên Tết, xử lý các hành vi vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tập trung xử lý các hành vi, nguyên nhân chủ yếu gây ra vi phạm luật giao thông. Tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết cơ bản được đảm bảo, số vụ tai nạn tuy có tăng, nhưng số người tử vong hoặc bị thương đã giảm. Các lực lượng chức năng đã tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, do đó vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đã được đảm bảo, được dư luận đánh giá cao.

10h31: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Về thời điểm báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần cân nhắc lại. Nhìn chung, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2024 nổi lên một số mặt được là đã chăm lo Tết cho cả nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện Chỉ thị 26 - Tết đến với mọi nhà, mọi người, Tết với gia định có hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo Quốc hội đã đến thăm, chúc Tết khắp 3 miền đất nước để lo tết cho nhân dân, được nhân dân và cử tri đánh giá cao, tạo niềm tin lớn trong xã hội và nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, năm nay, các tổ chức đoàn thể quan tâm chăm lo cho các đối tượng nghèo, chương trình “Chuyến xe nghĩa tình”, tạo điều kiện và đảm bảo nhu cầu đi lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tiếp tục phát huy chăm lo cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, ngành y tế đã chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho người dân, không có vụ ngộ độc nào lớn. 

Tình hình ổn định giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, qua đó cho thấy sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, sự điều hành của ngành công thương vào cuộc quyết liệt.

Nhân dân đồng tình với việc quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, đảm bảo an toàn xã hội trong dịp tết, nhất là tình trạng uống rượu lái xe được giảm hẳn, từ đó giảm ở cả 3 mặt về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, hiện người dân lo lắng trước tình trạng cho vay năng lãi, mua bán hàng gian, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, hàng lậu vẫn còn phổ biển; lo lắng tình trạng mua bán, sản xuất pháo, chất nổ trái phép gia tăng, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì tình trạng này sẽ gia tăng vào Tết năm sau

Năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến công tác tiếp công dân, các ngành chức năng, nhất là ngành thanh tra, công an và UBND Tp.Hà Nội phối hợp với Mặt trận đoàn thể cần lưu ý tình trạng khiếu kiện, tập trung đông người, đặc biệt là trong các kỳ họp Quốc hội, làm sao để giảm bớt tình trạng tập trung, khiếu kiện đông người.

10h38: Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo công tác Dân nguyện trong thời gian qua, bên cạnh đó, Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất chỉnh sửa tiêu đề của báo cáo là: Báo cáo công tác Dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2023, tháng 01/2024 và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị bổ sung thêm những thông tin về công tác Dân nguyện trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như ý kiến của các đại biểu tại phiên họp.

Về những nội dung cụ thể, Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung thông tin về vai trò của Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động, cùng với các ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương trao tặng quà Tết cho người nghèo trên cả nước.

10h43: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Phát biểu ý kiến tại về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 01/2024 tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ thống nhất với nội dung Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 01/2024 cũng như ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và ý kiến của Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh...

Về việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân liên quan đến đường Hồ Chí Minh đoạn đoạn tránh Chư Sê, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi, thanh toán chi giải phóng mặt bằng cho dự án hoàn thành trước ngày 30/05/2024 để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài. “Do vậy, Báo cáo nên trích luôn nội dung này vào.

Bên cạnh đó, giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách giám sát để đảm bảo Nghị quyết của Quốc hội được thực hiện.”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

10h44: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu

Nhất trí với các ưu điểm cũng như hạn chế đã nêu trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 1/2024, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong dịp Tết năm nay, ở nhiều nơi sức mua giảm, người dân có chiều hướng tiết kiệm chi tiêu. Một số địa phương đã có những cách làm mới, hay để giảm thiểu các vấn đề do sức mua giảm gây ra đối với các tiểu thương. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp còn thiếu ổn định.

Nhận định thời gian qua, Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong triển khai các dự án tạo sinh kế, việc làm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các chương trình, dự án tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân, qua đó kéo người lao động quay lại làm việc, hỗ trợ người dân trong kinh doanh, sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tích cực nhập cuộc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các tồn tại, hạn chế để đưa ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

10h49: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng lưu ý đến tình hình tập trung đông người tại Hà Nội, nhất là vào thời điểm họp Quốc hội hay các ngày lễ tết, dẫn đến có trường hợp đối tượng thù địch lợi dụng gây rối. Trước thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đặt vấn đề  liệu tình trạng này có trở thành tiền lệ hay không? Việc giải quyết theo luật nào? Liệu có xử lý được những đối tượng cố tình chây ì? Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu về vấn đề lâu dài.

Liên quan đến những tác động môi trường và ảnh hưởng đời sống người dân quanh dự án điện gió, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết người dân ven biển miền Tây Nam Bộ, trong đó có Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau rất bức xúc, người dân khiếu kiện thường xuyên do ảnh hưởng đến môi trường, sinh vật sống, rừng ven biển của các cây điện gió. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đặt vấn đề về đánh giá về tác động môi trường khi cấp giấy phép cho nhà đầu tư.

Do đó, đề nghị là Chính phủ phải nghiên cứu về tác động môi trường kỹ lưỡng và phải bổ sung về hành vi trong Luật Xử lý vi phạm hành chính về vi phạm về tác động môi trường hay Luật Bảo vệ môi trường để xử lý vấn đề này.

10h53: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Quan tâm đến nội dung liên quan đến an toàn của các công trình điện gió, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 02 năm 2019, vì vậy với những trường hợp khiếu kiện liên quan đến vấn đề này, Chính phủ cần chỉ đạo trực tiếp Bộ Công thương trực tiếp đánh giá, rà soát các công trình điện gió có thực hiện đúng quy định hay không?

Đồng thời, rà soát nội dung của Thông tư 02 liên quan đến an toàn, trong đó có quy định nhà dân cách công trình điện gió 300m có hợp lý hay không. Ban Dân nguyện cũng cần có văn bản đôn đốc đề nghị Bộ Công thương về vấn đề này.

10h55: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất bổ sung kiến nghị xử lý việc tiểu thương phá hoa, tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của các vườn hoa trong thời gian tới. Về vấn đề tai nạn giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc trong thời gian qua.

Về pháo trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ việc lợi dụng chính sách cho phép sử dụng pháo hoa của nhà máy Bộ Quốc phòng để mua bán, sử dụng pháo nổ nhập lậu.

10h57: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023)

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Ban Dân nguyện, đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan, theo dõi sát sao tình hình, tổng hợp dữ liệu, thông tin, theo dõi, đốc thúc công tác xem xét, trả lời, giải quyết, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã phát biểu để chỉnh lý, bổ sung nội dung phụ lục về việc trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, sửa đổi tên báo cáo cho chính xác về giới hạn thời gian, bổ sung các chủ thể chăm lo Tết cho đồng bào, cử tri và nhân dân… qua đó hoàn thiện báo cáo công tác dân nguyện đạt chất lượng cao.

11h07: Theo chương trình phiên họp, thời gian còn lại buổi sáng 22/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác