PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI

27/02/2024

Sáng 27/02, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân nguyện của Quốc hội" tổ chức Hội thảo về Đổi mới công tác Dân nguyện của Quốc hội. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Hội thảo.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI: TRĂN TRỞ VÀ KỲ VỌNG

Toàn cảnh Hội thảo

Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng chủ trì Hội thảo. 

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lò Việt Phương, cùng lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, một số chuyên gia, nhà khoa học.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, công tác dân nguyện là công tác của cả hệ thống chính trị trong đó, các cơ quan dân cử đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác dân nguyện, quan điểm lấy dân làm gốc, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước ta đã được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân,… các văn bản quy pháp luật này đã giao cho các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nhiều quyền hạn về công tác dân nguyện.

Ngay từ những ngày đầu, công tác Dân nguyện của Quốc hội đã luôn được coi trọng, thực hiện kết luận số 15-KL/TW ngày 26/7/2002 của Hội nghị lần VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Ban Dân nguyện được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó đến nay, công tác dân nguyện đã đi vào nề nếp, đạt được nhiều đổi mới tích cực. Trong quá trình hoạt động, Ban Dân nguyện luôn quán triệt chủ trương đổi mới của Đảng, đảm bảo chức năng đại diện của Quốc hội, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của nhân dân.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo.

Với vị trí là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù đã nỗ lực, tích cực trong tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng hoạt động dân nguyện vẫn còn có những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập về vị thế, thẩm quyền, phạm vi và điều kiện hoạt động. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và điều kiện lịch sử cụ thể, mặt khác là do chưa hoàn thiện về thể chế, cơ chế pháp lý, công tác tổ chức và cán bộ… về dân nguyện. Nhưng sâu xa là xuất phát từ việc chưa có sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về công tác dân nguyện của Quốc hội nói riêng, của hệ thống các cơ quan dân cử - cơ quan quyền lực của Nhân dân nói chung.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới hoạt động của Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động như: thực hiện chế độ báo cáo dân nguyện hằng tháng, kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm; xem xét, thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát  việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội…

Các đại biểu dự Hội thảo

Thực hiện Chương trình công tác số 1392-CTr/ĐĐQH15 ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Đảng đoàn Quốc hội năm 2023, trong đó giao Ban Dân nguyện tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội. Một trong những yêu cầu của Đề án là cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá sâu sắc về công tác dân nguyện, bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện đã tham mưu, đề xuất Đảng đoàn Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác dân nguyện của Quốc hội”. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội – Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ Nhất, Thường trực Ban chỉ đạo đã tích cực, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các dự thảo liên quan đến Đề án theo kế hoạch và phân công. Kết quả của Đề án là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, trách nhiệm, thực hiện công tác dân nguyện và là cơ sở để sửa đổi bổ sung các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng trong xây dựng Đề án, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, các nhà khoa học thông qua các bài viết, tham luận và đặc biệt là các trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện thêm Đề án “tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả  công tác dân nguyện của Quốc hội”.

Cổng Thông tin điện tử tiếp tục cập nhật nội dung Hội thảo…

Ngọc Thúy - Minh Hùng

Các bài viết khác