PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG BIÊN SOẠN SÁCH LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM TẬP 5

27/02/2024

Sáng ngày 27/02, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với các cơ quan hữu quan về việc biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011-2026)” và việc bổ sung nội dung về lịch sử 50 năm quan hệ Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào Chương trình nghiên cứu khoa học 2024.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỀ BIÊN SOẠN SÁCH LỊCH SỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM TẬP 5 VÀ VIỆC BỔ SUNG NỘI DUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 2024

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự cuộc làm việc có: đại diện lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại và Viện Nghiên cứu lập pháp, cùng thành viên các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định về việc triển khai biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011-2026)”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai dự thảo Kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5; Họp thống nhất Kế hoạch biên soạn sách (thông qua họp góp ý trực tiếp và góp ý bằng văn bản).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Theo đó, việc biên soạn sách phải đáp ứng phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan, khoa học quá trình phát triển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam giai đoạn 2011-2026, tương ứng với quá trình phát triển và hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ khóa XIII, XIV, XV (theo trình tự thời gian) trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội (lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại); phân tích những thành tựu, hạn chế, đúc kết những kinh nghiệm qua thực tiễn quá trình phát triển tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam các khóa XIII, XIV, XV; phát huy trí tuệ của tập thể; huy động sự tham gia các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ lý luận và am hiểu về Quốc hội Việt Nam; bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng…

Về nội dung, dự kiến nội dung cuốn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011-2026) sẽ gồm Phần mở đầu, Phần nội dung, Phần kết luận, Phần phụ lục và Danh mục tài liệu tham khảo (dự kiến khoảng 1.000 trang), được biên soạn theo quá trình lịch sử gắn với hoạt động của từng nhiệm kỳ Quốc hội. Mỗi nhiệm kỳ tương ứng với nội dung một chương của cuốn sách…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình

Về việc tổ chức nghiên cứu đề tài cấp Bộ về lịch sử 50 năm Quốc hội Việt Nam - Quốc hội Lào, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình nêu rõ, ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị các nội dung về nhiệm vụ khoa học như: mục tiêu, tính cấp thiết, nội dung nghiên cứu, kết quả nghiên cứu...  Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 13 tháng, dự kiến từ tháng 06/2024 đến tháng 06/2025.

Qua nghe báo cáo về hai nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần phải xác định việc biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011-2026) là 1 nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là công việc đòi hỏi yêu cầu cao cả về mặt chuyên môn cũng như chính trị xã hội, do đó cần tiến hành đồng bộ, khẩn trương, khoa học, huy động tối đa lực lượng trong và ngoài Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học để đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Về đề cương của cuốn sách, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giai đoạn lịch sử Quốc hội ở Tập 5 rất nổi bật và có ý nghĩa quan trọng, phản ánh một giai đoạn lịch sử trong công cuộc đổi mới của đất nước đi vào chiều sâu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa hiện đại hóa; với mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng với 3 trụ cột: nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lịch sử Quốc hội cần đặt trong tổng thể lịch sử Đảng và Nhà nước, nói đến Quốc hội cũng phải nói đến cả hệ thống chính trị, Hội đồng nhân dân và Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc biên soạn Tập 5 sẽ rất khác với Tập 4, nội dung cuốn sách phải được nâng tầm, có tính chất tổng kết, bao quát hành trình 80 năm lịch sử Quốc hội Việt Nam, cần đủ độ sâu về chuyên môn, chính trị. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng tiếp nối, có sự chuyển tiếp và kế thừa ngay sau Tập 4 và nên bổ sung thêm nội dung về công tác dân nguyện; chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; vai trò của Quốc hội đối với việc nâng cao vị trí, chất lượng của hệ thống cơ quan dân cử trên cả nước và trong phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Xác định yêu cầu công việc cao và nặng nề, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải hết sức cố gắng và quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng cao nhất. Muốn làm được điều này phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết; thường xuyên tổng kết, rà soát để rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình biên soạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Về các công việc cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội phối hợp cử đầu mối cung cấp tài liệu, thông tin, số liệu, hình ảnh cho Ban biên soạn. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tích cực phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời, giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là Trưởng Ban Biên soạn, cố gắng hoàn thành công tác nghiệm thu và có dự thảo hoàn chỉnh trước ngày 30/6/2025.

Đối với Đề tài cấp Bộ về lịch sử 50 năm Quốc hội Việt Nam - Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Viện Nghiên cứu lập pháp đã tích cực, khẩn trương hỗ trợ Ban Chủ nhiệm Đề tài về quy trình, thủ tục để tiến hành bổ sung kinh phí và bổ sung vào danh mục đề tài khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng kế hoạch cụ thể để có thể bảo vệ Đề tài vào quý I-II/2025; huy động sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan đối ngoại liên quan; thường xuyên liên hệ, lấy ý kiến từ phía Quốc hội Lào.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc làm việc

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Thu Phương - Nghĩa Đức