CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TẬP TRUNG CAO ĐỘ PHÁT TRIỂN KHÁNH HÒA THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀO NĂM 2030

02/03/2024

Nhấn mạnh chưa khi nào Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành nhiều cơ chế, chính sách và cả nguồn lực cho Khánh Hòa như từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, các quan điểm phát triển đã được Trung ương xác định, tập trung cao độ, tăng tốc thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA

Như đã đưa tin, sáng nay, 02/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Trung ương đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, phương hướng năm 2024 và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ảnh: Lâm Hiển

Bài học về sự quyết tâm, cách làm và vai trò của người đứng đầu

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thời gian qua, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã dành sự quan tâm rất lớn cho Khánh Hòa với rất nhiều nghị quyết, chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành.

Trong đó, Bộ Chính trị đã có 2 Nghị quyết là: Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát tiển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. "Thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết này, Khánh Hòa là tỉnh được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhất trong số các địa phương đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù. Các địa phương có 6 cơ chế, chính sách, nhưng Khánh Hòa có đến 11 cơ chế, chính sách, trong đó, nhiều cơ chế, chính sách do chính Chủ tịch Quốc hội gợi ý và đã đi vào thực tiễn rất tốt đẹp". 

Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết khi về thăm, chúc Tết tại huyện Khánh Vĩnh vừa qua, bà con rất phấn khởi, nhất là chính sách về hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh. Trước đây, huyện Khánh Vĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước, nhưng nhờ Nghị quyết số 55 của Quốc hội, hiện nay, địa phương đang phấn đấu đạt mục tiêu này trong năm 2024. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng với đó, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết khác có tác động trực tiếp đến Khánh Hòa như: Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Nghị quyết số 92/2023/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (đường liên vùng Yang Bay - Tà Gụ) với số kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng giải ngân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa... 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các thành viên Đoàn công tác cũng cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Khánh Hòa. Trong đó, Khánh Hòa cần tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế phát triển, về hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, Khánh Hòa cần quan tâm thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số, đây là vấn đề bắt buộc phải làm thì mới có thể thúc đẩy phát triển kinh tế số ở tầm chiến lược, mức độ cao. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ảnh: Lâm Hiển

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã trao đổi cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa. 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 với nhiều chỉ tiêu đạt bằng hoặc cao hơn trước đại dịch.

Năm 2023, Khánh Hòa là một trong những tỉnh đạt kết quả rất quan trọng, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch (20/22 chỉ tiêu) và toàn diện trên các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các cơ quan dân cử...

Khánh Hòa cũng là một trong số ít địa phương đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay cao hơn mức phấn đấu. Trong đó, GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,15%/năm, vượt kế hoạch mục tiêu 7,5%/năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Khánh Hòa đã đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế chính sách phát triển. Nhất trí cho rằng, có lẽ chưa có thời điểm nào, Trung ương và Quốc hội, Chính phủ dành nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực trực tiếp cho Khánh Hòa hoặc liên quan đến Khánh Hòa như từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh Khánh Hòa trong việc chuẩn bị các nội dung này với khát vọng phát triển rất lớn. “Đây là bài học về sự quyết tâm, cách làm và vai trò của người đứng đầu. Có những việc làm rất nhanh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cho rằng, trong khó khăn chung của cả nước vừa qua, Khánh Hòa cũng có những khó khăn riêng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, điều quan trọng là Khánh Hòa đã vượt qua được, giữ vững đoàn kết nội bộ, tăng cường được công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị làm hạt nhân cho sự phát triển.

Tập trung khắc phục tồn tại, tăng tốc phát triển

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của tỉnh và các mục tiêu, khát vọng phát triển đã đề ra, tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những tồn tại, hạn chế. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu năm 2030 “trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước” là mục tiêu đầy thách thức khi thực tiễn phát triển của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách giữa mong muốn và thực tế còn rất lớn. 

“Khánh Hòa phải rà soát lại toàn bộ, tập trung cao độ cho việc hoàn thành cao nhất, tốt nhất các nhiệm vụ năm 2024, 2025. Không chỉ phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của năm 2024, 2025 mà Khánh Hòa còn phải tăng tốc cho đến năm 2030, ít nhất tăng trưởng kinh tế phải giữ được hai con số", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cho rằng, khung khổ, thể chế cho sự phát triển của tỉnh đã đầy đủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và pháp luật hiện hành bằng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, dự án hết sức cụ thể. Khánh Hòa đã có những bài học tốt trong chuẩn bị xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết, nhưng cần làm tốt hơn nữa.

Khánh Hòa bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả bước đầu của tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội, các chính sách đi vào cuộc sống rất nhanh, nhất là trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Chỉ trong năm 2023, Khánh Hòa đã huy động được 158 tỷ đồng hỗ trợ hai huyện này.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã đặt mục tiêu đưa hai huyện này khỏi danh sách huyện nghèo cả nước trong năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Do đó, cũng phải bắt tay vào việc xây dựng các đề án xây dựng huyện nông thôn mới cho hai huyện này. Khánh Hòa xác định đến năm 2030 Khánh Sơn, Khánh Vĩnh sẽ trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Như vậy, đề án xây dựng huyện nông thôn mới của hai huyện này cũng phải đặt trong tư duy, mục tiêu, tầm nhìn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng chứ không phải là nông thôn mới thuần túy - nông thôn mới nhưng gắn liền với đô thị sinh thái núi rừng. Phải nằm lòng mục tiêu này, xác định rõ các nội hàm để có lộ trình, giải pháp phù hợp, hiệu quả. 

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Khánh Hòa cần chuẩn bị tốt cho việc tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2025, qua đó, tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quan tâm phát triển chính quyền số, kinh tế số. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo phương châm hành động năm 2024 của tỉnh là “quản trị - điều hành”. Làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025-2030.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho địa phương. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định.

Với những kết quả đạt được thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn để tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975 – 2.4.2025); sớm hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu đến năm 2030 “trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á”.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác