NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA

13/03/2024

Chiều ngày 13/03, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp tục tổ chức Tọa đàm góp ý kiến cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì Tọa đàm.

TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có: các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa.

Tiếp tục thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến chuyên gia tại Tọa đàm đều cơ bản cho rằng, Luật sửa đổi cần đảm bảo tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, di sản văn hóa. Đồng thời kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa.

Bên cạnh đó cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành; cập nhật, nội luật hóa các quy định của quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa; bám sát các nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa…

Phản ánh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở nước ta thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế, các đại biểu cho rằng, về nhận thức, nhiều nơi vẫn quan niệm việc bảo tồn và phát huy di sản là nhiệm vụ của nhà nước, còn nhân dân chỉ là người hưởng thụ. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò của di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện. Chính quyền còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế. Công tác xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy di sản còn thiếu định hướng, các nguồn vốn do dân đóng góp chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước nên không được định hướng sử dụng một cách có hiệu quả…

Các đại biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa như: thiết kế trùng tu, tôn tạo, quá trình xây dựng di tích chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép; di tích sau khi trùng tu, tôn tạo không giữ nguyên kiến trúc gốc, thậm chí có tình trạng đập bỏ công trình di tích để xây mới; việc xây dựng, cải tạo di tích chưa thực hiện đúng, đủ theo các văn bản quy phạm pháp luật…

Do vậy, trong thời gian tới, dự thảo Luật sửa đổi cần có các quy định nhằm nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa. Cùng với đó, cần khuyến khích nhiều hơn vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó các chủ thể di sản đóng vai trò quan trọng trong tự bảo vệ, phát huy di sản của họ.

Để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần gắn kết việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái, đời sống văn hóa cộng đồng. Các quy định mới mới ban hành cần được kịp thời phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhanh chóng cập nhật những quy định của pháp luật về di sản văn hóa đến với đông đảo nhân dân, nâng cao nhận thức và thu hút được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Ðặc biệt, ngành văn hóa cần quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn vi phạm ở các địa phương. Bên cạnh đó tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa; khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng Nhà nước, tổ chức các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Cần có những quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước…

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, nội dung của Luật sửa đổi cũng cần có quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội…

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng 

Cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới. Do vậy, các ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm là cơ sở rất hữu ích trong quá trình thẩm tra dự án Luật của Ủy ban trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Toàn cảnh Tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng tại Tọa đàm

Các chuyên gia phát biểu tại Tọa đàm

Các đại biểu tại Tọa đàm

Cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới. Do vậy, các ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm là cơ sở rất hữu ích trong quá trình thẩm tra dự án Luật của Ủy ban trong thời gian tới

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác