ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI 04 BỘ VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VÀ NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
RÀ SOÁT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI KT-XH
Chiều 19/3, Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” làm việc với 04 Bộ gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyên Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Đoàn Giám sát, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành.
Toàn cảnh cuộc họp của Đoàn Giám sát.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội ban hành là một trong những quyết sách mang tính lịch sử góp phần tạo sức bật mới cho đất nước. Việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho thấy một Quốc hội luôn đồng hành quyết liệt, kịp thời cùng Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra; thể hiện một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước.
Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã trao quyền cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được theo đúng mục tiêu đề ra, thực tế việc triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, qua đó đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Xuất phát từ yêu cầu trên, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Tại cuộc làm việc, Đoàn Giám sát đã nghe đại diện các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo nội dung cơ bản trong việc thực hiện các công việc thuộc chuyên đề giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để triển khai hạ tầng viễn thông, Internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bên cạnh đó là thông tin cụ thể hơn về số lượng máy tính, máy tính bảng đã hỗ trợ cho các đối tượng thông qua nguồn xã hội hóa thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phổ cập Internet ở các vùng miền khó khăn được triển khai hiệu quả như thế nào? Việc hỗ trợ chuyển đổi bài giảng sang điện tử được hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới vào việc giảng dạy đến nay ra sao?
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị lãnh đạo Bộ báo cáo rõ hơn số liệu về tình hình sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp trong năm 2022 chi tiết, cụ thể theo từng nội dung chi của Quỹ. Việc sử dụng Quỹ đã tác động đến hoạt động các doanh nghiệp như thế nào? Ngoài ra, các đại biểu cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ hơn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách về Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đóng góp ý kiến.
Với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đoàn Giám sát yêu cầu Bộ làm rõ hơn về việc giải quyết việc làm cho lao động ở các thành thị; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá về thực hiện an sinh xã hội; các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở trợ giúp xã hội, giáo dục nghề nghiệp, việc làm.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành viên Đoàn Giám sát đề nghị lãnh đạo Bộ nêu cụ thể hơn về thời hạn xin kéo dài thời gian thực hiện các dự án theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 11/6/2023 của Quốc hội; việc thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Với những nội dung như trên, đại diện lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các thành viên Đoàn Giám sát; đồng thời đã làm rõ những câu hỏi thắc mắc, kiến nghị của các thành viên Đoàn Giám sát đối với từng lĩnh vực do từng Bộ phụ trách, quản lý và chịu trách nhiệm. Đại diện các Bộ cũng khẳng định, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của Đoàn Giám sát, các Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo cũng như nghiên cứu các giải pháp kịp thời, hữu hiệu để triển khai các dự án cũng như hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu.
Kết luận tại cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Đoàn giám sát đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, nghiêm túc của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan, các chuyên gia và các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị cho Đoàn giám sát.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, 04 Bộ đã báo cáo tóm tắt những nội dung chính thuộc chức năng nhiệm vụ của bộ, ngành liên quan đến chuyên đề của Đoàn giám sát; các thành viên đoàn và đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và giải trình... qua đó, làm rõ thêm những vấn đề thực tiễn triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Các thành viên đoàn giám sát và đại biểu dự họp đã phát biểu nhiều nhận định, đánh giá có cơ sở pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp tục làm việc với các cơ quan, đơn vị và tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Qua nội dung thảo luận cho thấy, Đoàn Giám sát cơ bản nhất trí với báo cáo của các Bộ, ngành; các báo cáo bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát, được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, nội dung rõ ràng. Nội dung thảo luận cũng đi vào một số trọng tâm sau:
Thứ nhất, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19.
Thứ hai, các Bộ, ngành đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, một số chính sách có hiệu quả tích cực như: Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương; đã kịp thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ nhân lực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần phục hồi nhanh thị trường lao động. Chính sách đã hỗ trợ được cho người lao động đang làm việc, đặc biệt người lao động mới được tuyển dụng có khó khăn về nhà ở.
Bên cạnh đó, một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết như: Việc sử dụng quỹ dịch vụ Viễn thông công ích; việc chi quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: chưa đạt như dự kiến. Một số dự án sử dụng vốn của Chương trình không được triển khai hiệu quả, kịp thời; 5 dự án của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đều phải dừng, Bộ xin giảm số kinh phí đã bố trí và đề nghị không thực hiện 05 dự án đã đề xuất. Điều đó thể hiện việc xây dựng, đề xuất chính sách, đề xuất dự án chưa bảo đảm yêu cầu, chưa bám sát thực tiễn, dẫn đến không khả thi.
Thứ ba, Đoàn Giám sát cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân theo báo cáo của các Bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện chính sách và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành và sẽ tổng hợp, báo cáo, phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn giám sát và các đại biểu dự họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị các Bộ rà soát, bổ sung các số liệu báo cáo cụ thể, hoàn thiện báo cáo để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trên cơ sở cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đề nghị Tổ Giúp việc tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành để tổng hợp kết quả, hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát.
** Một số hình ảnh tại cuộc họp của Đoàn Giám sát:
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan - thành viên Đoàn Giám sát đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn - thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ về việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương trả lời những câu hỏi của các thành viên Đoàn Giám sát.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đề cập về tình hình sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp trong năm 2022 và các nội dung liên quan khác.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp làm rõ về việc xin kéo dài thời gian thực hiện các dự án theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 11/6/2023 của Quốc hội; việc thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển./.