THÀNH LẬP THÀNH PHỐ GÒ CÔNG, TỈNH TIỀN GIANG: ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN, CỬ TRI NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

20/03/2024

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đây được coi là sự kiện lớn đối với địa phương, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh và thị xã Gò Công.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 19/3: BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG CÁC NỘI DUNG BỔ SUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP QUỐC HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU VỀ SỰ CẦN THIẾT, CHẤT LƯỢNG NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ CHUẨN BỊ

Toàn cảnh phiên họp

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và của Bộ Nội vụ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, thành lập 04 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; Sắp xếp 04 phường thành 02 phường (nhập Phường 4 vào Phường 1, nhập Phường 3 vào Phường 2); Thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Thị xã Gò Công nằm ở phía Đông của tỉnh Tiền Giang, trên trục hành lang kinh tế phía Tây Nam của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại - dịch vụ, kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, thị xã Gò Công là đô thị trung tâm của vùng động lực phía Đông của tỉnh, tập trung ưu tiên phát triển kinh tế biển, các khu - cụm công nghiệp, cảng tổng hợp ven biển, vận chuyển biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Trong các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thị xã Gò Công được quy hoạch thành thành phố thuộc tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh Tiền Giang và thị xã Gò Công đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa có vị trí liền kề với các phường nội thị của thị xã Gò Công. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của 04 xã này chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tập trung đông dân cư và nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, góp phần phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, nâng cao mức sống, thu nhập của người dân. Đến nay 04 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa đã đạt tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị để thành lập phường theo quy định.

Đối với việc sắp xếp 04 phường thuộc thị xã Gò Công giai đoạn 2023 – 2025, căn cứ vị trí tiếp giáp giữa các phường và các yếu tố về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của các phường, tỉnh đề nghị phương án nhập nguyên trạng Phường 1 và Phường 4 thành Phường 1 (mới) và nhập nguyên trạng Phường 2 và Phường 3 thành Phường 2 (mới). Trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp 04 phường nêu trên, chính quyền địa phương đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, đặc biệt là các vị lão thành cách mạng, các bậc cao niên, người có uy tín tại địa bàn. Kết quả đa số Nhân dân đều thống nhất với phương án sắp xếp 04 phường của tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra

Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của 04 xã (Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa), 04 phường (Phường 1, Phường 2, Phường 3 và Phường 4) và thị xã Gò Công nêu trên thì việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thành lập 04 phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang là phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đô thị và các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Gò Công theo Đề án là phù hợp với quy định của Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án sắp xếp các phường đã được chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang cân nhắc kỹ trên cơ sở căn cứ vào vị trí tiếp giáp, các đặc điểm về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của các phường và đạt được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc tán thành cao với Đề án và dự thảo Nghị quyết. Với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Phấn khởi trước sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành cho địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nêu rõ, việc thành lập thành phố Gò Công là nguyện vọng và là chủ trương của Đảng bộ thị xã Gò Công và Nhân dân tỉnh Tiền Giang từ rất lâu, đặc biệt là đồng bào và Nhân dân khu vực Gò Công. Bởi từ trước giải phóng là tỉnh Gò Công, sau năm 1976 sáp nhập nguyên trạng vào tỉnh Tiền Giang cho đến nay. Việc thành lập thành phố Gò Công để tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới là một nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và thị xã Gò Công, đặc biệt là Nhân dân khu vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại phiên họp

Trước đó, khi tiến hành lấy ý kiến người dân trên địa bàn đối với việc thành lập các phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa thuộc thị xã Gò Công, có 99,7% cử tri được lấy ý kiến ủng hộ; đối với việc thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang có 99,83% cử tri được lấy ý kiến đồng tình ủng hộ.

Làm rõ một số vấn đề, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu nghiêm túc các kiến nghị đề xuất và có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, có nâng cấp thêm các tiêu chuẩn về chất lượng đô thị. Việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh cơ bản đã xong là điều kiện để tỉnh tập trung nguồn lực cho phát triển đô thị, đặc biệt là ưu tiên nguồn lực để nâng cao các tiêu chí đô thị của thành phố Gò Công như tiêu chí về đất giáo dục, đất công trình văn hóa, thể dục, thể thao, đất cây xanh, v.v...

Đồng thơi quan tâm đến lực lượng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý khi nâng từ mô hình hành chính nông thôn sang hành chính đô thị, giải quyết các vấn đề về dân số, việc làm, nhà ở, môi trường, an ninh trật tự, v.v..

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho hay, tỉnh đã có dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh sẽ phân công rõ công việc của từng ngành, từng cấp, đặc biệt là thời gian và tiến độ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc chuyển đổi các giấy tờ, hồ sơ, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp để đi vào hoạt động.

Bảo Yến