RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, KHẢ THI

22/03/2024

Vừa qua, tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng không nhân dân” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, các chuyên gia đã góp ý toàn diện vào nhiều nội dung trọng tâm của dự thảo luật, trong đó, lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về trọng điểm phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ… đảm bảo tính đồng bộ, khả thi.

HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng không nhân dân” 

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân gồm 08 chương với 55 điều, tập trung vào 05 chính sách lớn,bao gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân. Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, các chuyên gia khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân. Để hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến đã góp ý cụ thể vào một số điều, khoản cụ thể liên quan đến quy định về: Xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; Hoạt động phòng không nhân dân; Khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân;…. 

Xác định rõ địa vị pháp lý, nguồn lực cho mỗi loại hình Trọng điểm phòng không nhân dân 

Quan tâm tới quy định về Trọng điểm phòng không nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, dự thảo luật chưa quy định rõ mục đích thành lập Trọng điểm phòng không nhân dân nhằm mục đích gì? Theo dự thảo luật thì đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện đều là Trọng điểm phòng không nhân dân; vậy sự khác nhau của 2 loại trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện là gì; mối quan hệ giữa Trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh với Trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện trực thuộc như thế nào? Các trọng điểm phòng không nhân dân này sẽ đầu tư nguồn lực, bố trí trận địa phòng không nhân dân như thế nào?, v v …

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nêu rõ mục đích thành lập Trọng điểm phòng không nhân dân; xác định rõ địa vị pháp lý, nguồn lực cho mỗi loại hình Trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; mối quan hệ của Trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh với các Trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện trực thuộc.

Ngoài ra, dự thảo luật quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị cấp huyện thì không chính xác, vì Hiến pháp không quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính cấp huyện và Hiến pháp chỉ quy định Quốc hội có thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (khoản 9 Điều 70 của Hiến pháp). Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại điểm b khoản 2 Điều 6 nêu trên để phù hợp với Hiến pháp.

Làm rõ sự khác nhau và mối liên hệ giữa nhiệm vụ phòng không nhân dân và nội dung hoạt động phòng không nhân dân

Liên quan đến quy định về hoạt động phòng không nhân dân, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, Điều 18 dự thảo Luật quy định về nội dung hoạt động phòng không nhân dân nhưng lại có nhiều nội dung trùng lắp với quy định tại Điều 5 dự thảo Luật về nhiệm vụ phòng không nhân dân, ví dụ như: “xây dựng thế trận phòng không nhân dân” (điểm b); “tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân” (điểm c); Diễn tập phòng không nhân dân (điểm e) ; Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (điểm i); … Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn về sự khác nhau và mối liên hệ giữa nhiệm vụ phòng không nhân dân và nội dung hoạt động phòng không nhân dân tại dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, Điều 19 của Dự thảo quy định về nội dung xây dựng kế hoạch phòng không nhân dân, để đảm bảo tính logic và thống nhất về cách trình bày tiêu mục cũng như các nội dung, các khoản trong điều này, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh đề xuất bổ sung tiêu mục của khoản 1 là: Thời gian và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng không nhân dân, và điều chỉnh tên các điểm.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ về mối quan hệ giữa quy định về hệ thống công trình phòng không nhân dân và quản lý, bảo vệ công trình phòng không nhân dân tại dự thảo Luật với quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự tại Luật Quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự, tránh sự trùng lặp, chồng chéo.

Đề nghị bổ sung quyền được tiếp cận thông tin

Về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng lưu ý về tên gọi của điều luật. Theo đó, để bảo đảm tính đồng bộ, logic trong dự án luật, đề nghị cân nhắc quyền và nghĩa vụ liên quan đến tất cả các hoạt động quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất; tái nhập; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh; đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, bảo đảm an toàn phòng không, nội dung này cũng đã được thể hiện trong các điều 37,38 dự thảo luật. Chứ không chỉ là hoạt động khai thác, sử dụng.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng 

Đồng thời, đề nghị bổ sung quyền được tiếp cận thông tin về đặc tính kỹ thuật, công nghệ, giá trị sử dụng của tầu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, cảnh báo những hệ lụy trong quá trình khai thác, sử dụng các loại phương tiện này bảo đảm an toàn phòng không; Bổ sung quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện các quyết định trưng mua, trưng dụng tầu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho mục đích phòng không nhân dân của cấp có thẩm quyền phục vụ phòng không nhân dân theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (huy động, trưng mua, trưng dụng tài sản).

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ và thống nhất về cơ sở quyết định kéo dài độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân; bổ sung thêm nội dung quan hệ phối hợp về phòng không nhân dân;… đảm bảo dự thảo luật trình Quốc hội đảm bảo chất lượng tốt nhất và đạt được các yêu cầu, mục tiêu đề ra./.

Lê Anh

Các bài viết khác