HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

26/03/2024

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 26/3, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ XV THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi tiếp thu, giải trình có 8 Chương, 65 Điều. Trong hồ sơ Dự thảo Luật này, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có liên quan đều được tiếp thu, giải trình một cách cụ thể.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu, đưa vào dự thảo luật những nội dung đã chín, đã rõ; đồng thời, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 6.

Về lưu trữ tài liệu điện tử, từ Kỳ họp thứ 6, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Theo đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, việc sửa đổi luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hội hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.

Đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật).

Tham gia ý kiến về dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế đánh giá cao công tác chuẩn bị chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Theo đại biểu, hầu hết các nội dung tham gia của đại biểu các kỳ trước đã được bổ sung, sửa đổi.

Về quy định về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước tại Điều 18, đại biểu đề nghị không nêu chi tiết các cơ quan, tổ chức tại đây vì luật không thể chi tiết đến từng cơ quan, tổ chức và sẽ rất khó khăn trong việc quản lý tài liệu của các cơ quan, tổ chức không có tên trong luật. Mặt khác, quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đã và đang diễn ra, chắc chắn sẽ có những sự sát nhập và tách biệt, giải thể. Như vậy cũng phải thay đổi luật, việc này cần hạn chế thực hiện để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Hiện nay, Điều 18 trong dự thảo luật quy định: "Cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước", đại biểu đề nghị sửa thành: "Quy định giao, nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước".

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý nhan đề của Điều 18 thành các khoản, trong dự thảo có 2 khoản. Đồng thời, chú ý luận giải 4 khoản. Khoản thứ nhất “cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành quy định danh mục, thành phần tài liệu của các cơ quan, tổ chức tại khoản 2 Điều 9 và các tổ chức Đảng trong các ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao, nộp tài liệu về lưu trữ lịch sử thuộc phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam”. Khoản 2, Bộ Nội vụ ban hành quy định danh mục, thành phần tài liệu của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử”. Khoản 3 “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ban hành danh mục thành phần tài liệu của các cơ quan, tổ chức giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử thuộc quyền quản lý”. Khoản 4 “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục thành phần tài liệu của các cơ quan, tổ chức giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử” sẽ rất thống nhất và có đầu mối và thể hiện được tính tổng thể cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế

Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử ở Mục 3 được quy định từ Điều 31 đến Điều 37, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm để thống nhất cách sử dụng thuật ngữ, tài liệu lưu trữ dạng số và tài liệu lưu trữ số. Đại biểu cho rằng, bản số hóa tài liệu lưu trữ thực chất là sử dụng các công nghệ hiện đại để chuyển tài liệu trên các vật mang tin khác thành tài liệu lưu trữ dạng số. Khi thực hiện số hóa tài liệu đã chuyển thành dạng số, cần rà soát nội dung ở các điều trên và thống nhất nội hàm. Mặt khác, cần bổ sung 1 khoản cho hệ thống lưu trữ tài liệu số, đặc biệt tài liệu lưu trữ lịch sử; bổ sung một khoản về quản lý tài liệu trên các vật mang tin khác sau khi đã được số hóa.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời cho biết, sau hội nghị này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách, hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan có liên quan và gửi toàn bộ hồ sơ lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Sau đó sẽ tiến hành tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7. 

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang tham gia ý kiến

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời cho biết, sau hội nghị này, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật./.

Minh Hùng - Phạm Thắng