PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: RÀ SOÁT LẠI TOÀN BỘ CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA
Toàn cảnh buổi làm việc
Đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Trước bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 để góp phần phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 gây ra. Việc Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2023/QH15 và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết đã tạo động lực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 với nhiều kết quả quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện đời sống của Nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển,..
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, ngành thanh tra đã triển khai 16.203 cuộc thanh tra hành chính và 416.403 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là trong quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thực hiện chính sách xã hội. Cùng với đó, đã đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh và xử lý những vướng mắc từ thực tiễn; các quy định về chế độ kế toán, kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, nhất là mối quan hệ và giá trị pháp lý giữa các báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền với báo cáo trong hồ sơ vay vốn ngân hàng; các quy định nhằm tăng cường hơn nữa minh bạch và kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ giữa các ngân hàng với các công ty con đặc thù;...
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cũng cho biết, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.062 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 11.526 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Sau thanh tra đã xử lý hành chính 12.024 tổ chức, 19.032 cá nhân; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 915 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam
Đối với Thanh tra Chính phủ, năm 2022 đã kiểm tra, đôn đốc kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với 58 kết luận thanh tra. Căn cứ vào các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 278 tập thể, 1.148 cá nhân có liên quan; đã thực hiện 05/09 kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách. Năm 2023 đã kiểm tra, đôn đốc 47 kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với 47 kết luận thanh tra. Căn cứ vào các kết luận, kiến nghị thanh tra, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 357 tập thể, 1.576 cá nhân có liên quan; đã thực hiện 12/14 kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã triển khai nhiều nhiệm vụ về công tác thanh tra, nhất là tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị Đề án 153 "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố"; tổng kết hoạt động thanh tra công vụ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-Ttg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; tổ chức thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân; triển khai nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chia sẻ, Thanh tra Chính phủ đã bám sát nội dung Nghị quyết số 43/2023/QH15, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch công tác để lãnh đạo, chỉ đạo ngành thanh tra triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Qua đó, đạt được nhiều kết quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và lồng ghép việc thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 vào trong quá trình triển khai tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; tăng cường chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về thanh tra; chủ động trong xây dựng định hướng chương trình công tác thanh tra hàng năm; hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, ngành, địa phương, từng bước đổi mới hoạt động thanh tra và việc xử lý sau thanh tra. Nội dung thanh tra hành chính có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng định hướng; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc dư luận đang quan tâm.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); thanh tra việc quản lý, sử dụng một số Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nhận thấy, kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hạn chế, không để xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh việc bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn để thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế.
Từ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết, nhất là tại những bộ, ngành, địa phương còn tồn đọng nhiều nhiệm vụ hoặc có dư luận về tham nhũng, tiêu cực./.