VIỆC LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÒN HẠN CHẾ

03/04/2024

Chiều 03/4, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA SƠ BỘ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2023

Toàn cảnh phiên họp

6/20 chỉ tiêu bình đẳng giới chưa đạt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự chú trọng, quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược, chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. đơn vị.

Về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung đều được đánh giá tác động, thực hiện lồng ghép giới đối với những văn bản có vấn đề về giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo

Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Điểm nổi bật của năm 2023 là sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị khối doanh nghiệp trong công tác truyền thông, truyền tải các nội dung về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến với số lượng lớn người lao động, tạo hiệu ứng tích cực và thu hút sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới. Do công tác bình đẳng giới mang tính chất đặc thù, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, do đó cán bộ làm bình đẳng giới ngoài việc nắm vững các chính sách, quy định của pháp luật còn cần am hiểu ở nhiều lĩnh vực, có sự nhạy cảm giới, biết lồng ghép giới trong kế hoạt phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, vẫn còn 6/20 chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, 4 chỉ tiêu có kết quả giảm nhẹ so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, điều này đòi hỏi phải triển khai các giải pháp quyết liệt hơn để thể đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030. Mặc dù số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình trong năm 2023 đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ và số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới tăng lên so với năm 2022.

Các đại biểu tại phiên họp

Cùng với đó, công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp một số khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số chỉ tiêu của Chiến lược được thu thập, đánh giá thông qua các cuộc Tổng điều tra, khảo sát định kỳ 10 năm, 05 năm và 02 năm/lần nên không có số liệu để báo cáo, đánh giá hằng năm. Một số bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật và mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới còn chưa đảm bảo thời hạn, chưa đủ thông tin, nội dung theo đề cương.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các Chương trình, Kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.

Việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế

Đánh giá sơ bộ các báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, cơ bản các báo cáo đã bám sát đề cương, tập trung vào những nội dung được đề nghị báo cáo, tuy nhiên vẫn còn một số báo cáo chưa thể hiện rõ kết quả, hạn chế trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ có số liệu minh chứng và có sự so sánh, đối chiếu với năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, việc lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề cần quan tâm như: các cơ quan, tổ chức trình dự án, dự thảo luật chưa tuân thủ quy định về việc gửi hồ sơ đến Ủy ban Xã hội để thực hiện thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Việc đánh giá lồng ghép nội dung về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Tư pháp theo như quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy

Qua thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết chất lượng lồng ghép còn hạn chế. Báo cáo của Chính phủ chưa có thông tin về việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua khảo sát, 4 địa phương được lựa chọn khảo sát đều cho biết có thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại không có số liệu cụ thể về các văn bản pháp luật đã được lồng ghép giới.

Việc thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là các chương trình truyền thông về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp đã đạt được một số kết quả đáng kể. Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đã thực hiện tổng kết triển khai Luật Bình đẳng giới, nhưng đến nay chưa tổng hợp những hạn chế từ các quy định của luật để từ đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, một số bộ, ngành chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về mục tiêu quốc gia bình đẳng giới. Báo cáo của các bộ, ngành đã đạt nhiều yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số nội dung. Còn một số kiến nghị trong Báo cáo số 1681 ngày 15/5/2023 của Ủy ban Xã hội chưa được Chính phủ và các bộ, ngành thông tin trong báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sớm có giải pháp bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chuyên trách; có các giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí kinh phí cho nội dung hoạt động về bình đẳng giới trong các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các chương trình, đề án liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện đến năm 2025. 

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác