GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KT- XH CÒN CHẬM, CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỀ RA

04/04/2024

Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH còn chưa đạt kỳ vọng; giải ngân kế hoạch vốn còn chậm,… là một trong những hạn chế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nêu rõ trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

CHÍNH SÁCH VỀ HỖ TRỢ CHO ĐƠN VỊ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH Y TẾ CHƯA QUAN TÂM TỚI ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH

Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Trên cơ sở các chính sách được Quốc hội quyết nghị, ngày 30 tháng 01 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết 43 và ban hành các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm triển khai Chương trình một cách tổng thể, đồng bộ.

Theo đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP đã quy định 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể, theo đó giao các bộ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 17 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện ngay từ Quý I năm 2022, nhất là những chính sách hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

Vừa qua, báo cáo tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội với các bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT- XH, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép.

Góp phần phục hồi, phát triển và tăng trưởng kinh tế

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 43 đã đạt được các kết quả về phục hồi, phát triển và tăng trưởng nền kinh tế như: Năm 2022, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, phục hồi tích cực hơn qua từng quý và đồng đều, tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế; Giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn;...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương 

Về tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của Chương trình, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

Đồng thời, đã gia hạn thời gian nộp các loại thuế, tiền thuê đất trong năm 2022, thông qua đó hỗ trợ chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh linh hoạt, chủ động sử dụng dòng tiền phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất với Nhà nước

Về giảm lãi suất, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay cơ bản hoàn thành theo chỉ đạo tại Nghị quyết 43.

Ngoài ra, việc xây dựng danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã được thực hiện phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng bố trí vốn quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Giải ngân kế hoạch vốn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, cụ thể: Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình còn chưa đạt kỳ vọng, trong khi thời gian thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình chỉ trong vòng 02 năm 2022-2023. Giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, một số dự án đến tháng 7 năm 2023 mới hoàn thiện thủ tục đầu tư để được giao vốn của Chương trình.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2024 (Nghị quyết số 110/2023/QH15).

Cùng với đó, một số dự án không hoàn thiện thủ tục đầu tư đúng theo thời hạn Quốc hội yêu cầu, dẫn đến không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn của Chương trình. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện chủ trương đầu tư dự án để chủ động giải ngân sớm nguồn vốn của Chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết còn chậm so với yêu cầu; Chưa dự báo, tính toán, lường hết được các khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai thực hiện;...

Phân tích nguyên nhân của những hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chương trình xây dựng rất gấp, trong thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu đặt ra, gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (cách ly, hạn chế họp đông người…). Trong khi Chương trình có quy mô nguồn lực khá lớn, nhiều chính sách, giải pháp chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên được nghiên cứu, triển khai, vừa nhằm đẩy vốn nhanh ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa gắn với yêu cầu triển khai hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, việc tổng hợp, tham mưu xây dựng danh mục một số nhiệm vụ, dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn của Chương trình trong thời gian ngắn, chưa đánh giá, dự báo được đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai so với thời điểm tổng hợp, xây dựng Chương trình. Từ đó, dẫn đến có thay đổi trong danh mục Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội khi xây dựng Chương trình...

Cho thí điểm, cụ thể hóa các chính sách đã chứng minh hiệu quả trong quy định pháp luật 

Trên cơ sở phân tích những tồn tại hạn chế từ thực tế triển khai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương kiến nghị một số giải pháp về thể chế, cơ chế cũng như về tổ chức, thực hiện, cụ thể:

Một là, đối với nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế: Tiếp tục cho thí điểm hoặc nghiên cứu các cơ chế, chính sách đã chứng minh hiệu quả để cụ thể hóa trong quy định pháp luật hiện hành hoặc tiếp tục đề xuất triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, các chủ thể tham gia dự án tiếp tục rà soát, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số bất cập trong các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm việc thực hiện các dự án được đồng bộ, liền mạch.

Hai là, đối với nhóm giải pháp về tổ chức, thực hiện: Tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Quốc hội đã cho phép tiếp tục thực hiện một số nội dung của Chương trình trong năm 2024, bao gồm:

. Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện vào điểm a mục 1.2 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư sang năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư này.

 . Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Do đó, thực hiện trách nhiệm được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu cho Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan ưu tiên phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 để quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép thực hiện nêu trên, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực được Quốc hội cho phép thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa nguồn vốn của Chương trình trong năm 2024../.

Lê Anh

Các bài viết khác