QUYẾT TÂM CAO ĐỂ HOÀN THÀNH KHỐI LƯỢNG LỚN CÔNG TÁC LẬP PHÁP CÒN LẠI CỦA NHIỆM KỲ

09/04/2024

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Ủy ban Pháp luật nhận thấy khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV còn lại là rất lớn, do đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chương trình đề ra bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ lập pháp được giao...

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 21: 18 DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC ĐỀ XUẤT ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2025

NHIỀU ĐỔI MỚI THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ TRONG LẬP VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 21

Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH1552 đã xác định 156 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tính đến hết ngày 19/3/2024, đã có 131/156 (83,97%) nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, xây dựng mới, còn 25/156 (16,03%) nhiệm vụ đang được các cơ quan triển khai thực hiện theo tiến độ.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Kế hoạch số 734/ΚΗ- UBTVQH15 là rất lớn với 39 nhiệm vụ lập pháp chưa được đề nghị đưa vào Chương trình, 25 nhiệm vụ lập pháp cần hoàn thành nghiên cứu.

Theo ý kiến thẩm tra và đề xuất của Ủy ban Pháp luật, các cơ quan khác của Quốc hội thì năm 2024, Quốc hội xem xét thông qua 21 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án để gối đầu sang năm 2025; năm 2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua 19 dự án luật, cho ý kiến 01 dự án luật để gối đầu sang năm 2026. Để hoàn thành khối lượng lớn công tác lập pháp còn lại của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường hơn nữa công tác lập pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét tổ chức thêm kỳ họp hoặc có thể kéo dài thêm thời gian kỳ họp thường lệ của Quốc hội, chia kỳ họp thành các đợt để xem xét cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật như đã triển khai trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì điều hành phiên họp

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục tăng cường năng lực và đề cao trách nhiệm, phát huy dân chủ trong công tác lập pháp; chủ động phối hợp từ sớm, chặt chẽ hơn nữa với cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan; đổi mới công tác tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến, nắm bắt thực tiển để nâng cao chất lượng, tỉnh phản biện trong thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức được giao chủ trì rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vị phụ trách để phát hiện nội dung bất cập hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan; tăng cường giám sát trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Pháp luật trong quá trình thẩm tra, tham gia ý kiến về các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết có chính sách liên quan đến lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách; đánh giá kỹ về tính khả thi (cả về tính khả thí trong việc soạn thảo, trình dự án và khả thi trong quá trình thi hành chính sách), sự phù hợp của nội dung chính sách được đề xuất với đường lối, chủ trương của Đảng, với quy định của các luật khác, đặc biệt là so sánh, đối chiếu với các định hướng cụ thể đã được xác định tại Đề án Định hướng, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15; đồng thời có ý kiến cụ thể về thứ tự ưu tiên trong việc trình Quốc hội xem xét dự án, dự thảo có liên quan; chú trọng các giải pháp đổi mới để bảo đảm chất lượng, tiến độ đối với các dự án được phân công chủ trì thẩm tra, chỉnh lý, đặc biệt là trong các trường hợp phải đảm nhiệm nhiều dự án tại một kỳ họp Quốc hội.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án Định hướng, Kế hoạch số 81/KHUBTVQH15, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 của UBTVQH và Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ lập pháp được giao; coi kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời, cũng chủ động nghiên cứu, chuẩn bị đề xuất các nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.

Quá trình thực hiện Chương trình, đề nghị Chính phủ, các cơ quan xem xét kỹ tính cấp thiết, ưu tiên khắc phục những vướng mắc, bất cập đã được xác định trong quá trình rà soát Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15, chủ động cân đối giữa nhu cầu và khả năng thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, kịp thời chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết là kết quả của các nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình.

Các đại biểu cùng dự phiên họp

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sau khi được Quốc hội thông qua và lập đề nghị bổ sung các dự án vào Chương trình, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan của Chính phủ, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phát huy những điểm tích cực trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong công tác triển khai thực hiện Chương trình. Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức được giao lập đề nghị, chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất hơn việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách; đánh giá kỹ lưỡng về nguồn lực thực hiện; tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; các quy định phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, có tính quy phạm cao, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng dự phiên họp

Cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo; thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động ngay từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

Các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến tham gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khả thi của văn bản khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Bảo Yến