SỬA ĐỔI LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CẦN BÁM SÁT MỤC TIÊU LÀ XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VÀ KIỂM SOÁT VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

11/04/2024

Quan tâm đến một số vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, các điều, khoản được dự định sửa đổi, bổ sung phần lớn luật hóa những nội dung đã được quy định tại các Nghị quyết của UBTVQH là hợp lý, khả thi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về mục tiêu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, đồng thời bám sát hai mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ VỀ CHỨC NĂNG GIÁM SÁT CỦA HĐND VÀ CÁC CƠ QUAN CỦA HĐND NHẰM TRÁNH CHỒNG CHÉO

TĂNG CƯỜNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

MỤC ĐÍCH CAO NHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT LÀ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC, BẢO ĐẢM THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

Quan tâm đến một số vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao.

Tờ trình đã xác định rõ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát hiện hành. Hai mục tiêu và 3 quan điểm được xác định về cơ bản là hợp lý, khả thi.

Tờ trình đã xác định phạm vi sửa đổi khá hợp lý, tức là chỉ ở mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát hiện hành, mà chưa phải là Luật Hoạt động giám sát (sửa đổi) trong điều kiện hiện nay.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội khóa XIII 

PGS.TS Lê Minh Thông nhận thấy, 5 nhóm vấn đề được nêu trong Tờ trình tuy chưa thật cụ thể nhưng tạo được định hướng để xác định 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát hiện hành.

Nội dung 5 chính sách bước đầu được xác định cơ bản hợp lý, tạo định hướng tốt cho việc sửa đổi, bổ sung các khoản, điều cụ thể trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát hiện hành khi được triển khai xây dựng.

Đề cương chi tiết cơ bản bám sát các nội dung chính sách đã được đề xuất trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát.

Cần làm rõ để tăng tính thuyết phục

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, Tờ trình vẫn chưa nêu bật được những vẫn đề đang thật sự vướng mắc hiện nay trên thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp. Một số vấn đề dư luận quan tâm như mục đích của các hoạt động giám sát, hiệu quả của hoạt động giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát, tính chất tối cao của hoạt động giám sát của Quốc hội trong phân định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội; phạm vi giám sát giữa Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và các cấp Hội đồng nhân dân để tránh tình trạng chồng chéo… Một số mô hình tổ chức mới trong đổi mới chính quyền địa phương với việc xây dựng chính quyền đô thị, không tổ chức Hội đồng nhân dân tại một số đơn vị hành chính đô thị, vấn đề kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước… đều cần được nghiên cứu và trình bày rõ thêm để tăng tính thuyết phục về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nội dung các chính sách cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thêm để có những đề xuất đột phá hơn trong mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong điều kiện phát triển mới của đất nước.

Luật hóa các quy định trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về cơ bản, Tờ trình và Đề cương chi tiết đã quán triệt và bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tại Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội: “chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, Kết luận của Trung ương liên quan đến đổi mới hoạt động giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung có tính khả thi, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện, điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay”. PGS.TS Lê Minh Thông nhận thấy, với quan điểm này, có thể thấy về tổng thể những chính sách được đề xuất và việc cụ thể hóa các chính sách trong Đề cương chi tiết đều hợp lý và có thể dễ nhất trí.

Các điều, khoản được dự định sửa đổi, bổ sung trong Đề cương chi tiết phần lớn tập trung luật hóa những nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

PGS.TS Lê Minh Thông nêu rõ, việc đề xuất luật hóa một số quy định trong các Nghị quyết nêu trên có thể xem là hợp lý, khả thi. Tuy nhiên, bên cạnh việc luật hóa các quy định trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm về mục tiêu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn…

Cần bám sát mục tiêu xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước

Đặc trưng cơ bản nhất đối với chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước kể cả ở Trung ương và địa phương là tính chính trị của các hoạt động giám sát. đặc biệt là giám sát tối cao của Quốc hội. Chính vì vậy, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, sự khác nhau căn bản về tính chất của hoạt động giám sát của các cơ quan đại diện dân cử với các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước khác là: Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân hướng tới các mục tiêu chính trị là xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Như vậy, về phương diện lý luận và thực tiễn, mọi sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần bám sát hai mục tiêu cơ bản này. Về thực chất toàn bộ nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật Hoạt động giám sát hiện hành đều được xây dựng theo hai mục tiêu này. Các hình thức giám sát được quy định trong luật hiện hành ở những mức độ khác nhau đã thể hiện tinh thần này.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Minh Thông nhận thấy, trong Luật hiện hành, các mục tiêu này chưa được thể hiện thành các nguyên tắc trong luật. Nét mới trong đề xuất của việc sửa đổi Luật lần này chính là quy định về sự gắn kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Nội dung này đã được xây dựng thành nguyên tắc hoạt động giám sát và được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 trong đề cương chi tiết khá hợp lý, nhưng cần được thể hiện gọn hơn để gắn với mục tiêu kiểm soát qưyền lực. Theo đó, cần thể hiện nguyên tắc này theo hướng: Gắn với công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương và kiểm soát quyền lực trong hoạt động Nhà nước.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Tạo cơ sở pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Đề cập về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, PGT.TS Lê Minh Thông cho biết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát quan trọng đang được quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15. Thực tiễn cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đem lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát việc thực thi quyền hạn, trách nhiệm của những người giữ các chức vụ, chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là một cơ hội tốt để có thể nghiên cứu luật hóa một số nội dung cốt lõi của Nghị quyết 96/2023/QH15, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, ổn định hơn cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định.

Đồng thời cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội quy định 4 trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong đó điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 13 quy định khi có có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa quy định quy trình, thủ tục để đạt được ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị, cũng như quy trình, thủ tục để Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu có ít nhất 20 % tổng số đại biểu Quốc hội, hoặc Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội không tín nhiệm.

Vì vậy, PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị cần có nghiên cứu để quy định cơ chế, quy định cách thức đạt được 20% đại biểu có ý kiến đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc cách thức để Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể thực hiện quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà không đợi đến kỳ lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội. Để tạo cơ chế thực hiện điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong đề cương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực theo chủ trương của Đảng./.

Bích Ngọc