ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP LÀM VIỆC VỚI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP. Hồ Chí Minh
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện đúng Nghị quyết số 19-NQ/TW và nghiêm túc thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Giai đoạn đầu, thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định, bảo đảm tiến độ đề ra. Nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ được sửa đổi, bổ sung, ban hành bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc
Qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực; hiệu quả hoạt động của các đơn vị được nâng lên.
Theo đó, mục tiêu số lượng đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp lại đã giảm từ 1.911 đơn vị xuống còn 1.813 đơn vị (năm 2021). Thống kê đến 31.12.2023, thành phố còn 1.781 đơn vị, gồm 33 đơn vị sự nghiệp công lập cấp thành phố; 316 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 1.432 đơn vị khối quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Về quản lý biên chế, từ năm 2015 - 2023 đã có 132 đơn vị sự nghiệp thực hiện thay thế trả lương từ ngân sách bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp được 29.182 người. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch là cấp bách và số học sinh ngày càng tăng, nên việc cân đối biên chế, giảm chi từ ngân sách ở lĩnh vực y tế và giáo dục đang là thách thức lớn cho thành phố. Đến nay, khối chính quyền tại TP. Hồ Chí Minh đã tinh giản biên chế đối với 1.578 người.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc
Đại diện Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, như: một số đơn vị còn lúng túng khi xác định phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số nhiệm vụ hoàn thành còn chậm so với kế hoạch đề ra; tiến độ thực hiện một số Đề án sắp xếp tổ chức và tiến độ tự chủ của một số đơn vị chưa kịp thời.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại cuộc làm việc
Ngoài ra, các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực chậm ban hành, gây khó khăn, lúng túng cho công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài và tác động của tình hình kinh tế thế giới, nên các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thu nhập hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ tự chủ của một số đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan giải trình các vấn đề Đoàn giám sát nêu
Trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định; kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ.
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị thay đổi quy định về chỉ tiêu giảm biên chế và giao biên chế hàng năm trên cơ sở các chỉ số về mật độ dân số và quy mô quản lý để bảo đảm phù hợp với từng địa phương. Đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, UBND Thành phố kiến nghị, không tính tỷ lệ giảm 10% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập mà chỉ tính tỷ lệ nâng cao mức độ tự chủ, vì đây là một yêu cầu rất khó khăn đối với một "siêu độ thị" đông dân như TP. Hồ Chí Minh.
Các thành viên Đoàn giám sát dự cuộc làm việc
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao những kết quả TP. Hồ Chí Minh đạt được trong thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch cụ thể, triển khai nghiêm túc, trách nhiệm việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung, số liệu về mục tiêu sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Các kiến nghị của thành phố sẽ được Đoàn ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu, báo cáo Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho địa phương.
* Sáng cùng ngày, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Sở Y tế và UBND Quận 7 về tình hình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.