NGƯỠNG DOANH THU HÀNG NĂM THUỘC DIỆN KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT CẦN PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ VÀ CÓ TÍNH ỔN ĐỊNH

07/05/2024

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị giá tăng (sửa đổi) đã điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Quan tâm tới quy định này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh là cần thiết thiết nhằm phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên cần lưu ý tới các yếu tố liên quan trên bình diện chung của những chính sách hiện hành để quy định cụ thể về mức ngưỡng doanh thu trong dự thảo Luật.

TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XV

Dự án Luật Thuế giá trị giá tăng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 (Ảnh minh họa)

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) gồm 04 Chương, 16 Điều, về cơ bản nội dung dự thảo vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: (1) Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9); (2) Bỏ 01 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ (Điều 14); (3) Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16); (4) Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT.

Liên quan đến mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi quy định hàng hoá, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm năm mươi triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Quan tâm tới quy định mới này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng. Tuy nhiên, cần cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc

Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc, mặc dù ban soạn thảo đã điều chỉnh tăng mức doanh thu không chịu thuế lên 1,5 lần: từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng. Nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả, tình hình phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân hiện nay.

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, Ở Việt nam có trên 3,9 triệu hộ cá nhân kinh doanh, số thu từ khu vực này khá khiêm tốn, nếu thu từ đồng đầu tiên thì chi phí quản lý thuế quá lớn. Mặt khác, cũng như thuế TNCN, quan điểm điều tiết của chúng ta là không thu thuế từ đồng đầu tiên, vì vậy việc xác định mức doanh thu chịu thuế  cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính ổn định của luật.

Mặt khác, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 ở nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng (18 triệu/năm) và 2.000.000 đồng/người/tháng (24 triệu/năm) ở đô thị. Trong khi đó theo Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh, thì tỷ lệ tính thuế  GTGT thấp nhất là hoạt động thương mại với tỷ lệ thuế GTGT là 1%, TNCN là 0.5%; Như vậy, nếu lấy doanh thu theo ngưỡng 150 triệu như dự thảo thì tỷ lệ giá trị gia tăng của doanh thu không chịu thuế là: 15.000.000 đồng (150 triệu x 1% = 15.000.000 đồng) thấp hơn 18.000.000 đồng mức chuẩn nghèo.

Theo  quy định hiện hành, căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN... “Do đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững,  có xét tới tình hình trượt giá, tỷ lệ lạm phát, điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức chuẩn nghèo thay đổi và có phần tương đồng với thuế TNCN, thì quy định ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng không chịu thuế GTGT như dự thảo vẫn là thấp. Thay vào đó nên để ở cao hơn và tối thiểu là 200 triệu đồng.”, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc đề xuất.

Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm giải quyết các bất cập trong thực tiễn 

Cùng quan điểm, Ths.Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh mức doanh du bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết. Quy định này đồng nghĩa với việc cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế GTGT, tức tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành. Từ khi Luật Thuế GTGT 2008 có hiệu lực cho đến hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 33,15%. Do đó, nếu tính theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thì việc Bộ Tài chính đề xuất nâng cao mức doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm là có cơ sở.

Tuy nhiên, để bảo đảm thời gian hiệu lực của Luật lâu dài, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng ngân sách nhà nước không bị hụt giảm nguồn thu, cơ quan soạn thảo nên xem xét, đánh giá các yếu tố tác động khi xác lập mức doanh thu không chịu thuế cho phù hợp như: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước; Diễn biến thu nhập của cá nhân người lao động nhận lương; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; Sự phù hợp với quy định tại các Luật khác như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN,…; Tham khảo mức đang áp dụng tại một số quốc gia cùng khu vực, có quy mô nền kinh tế tương đương. Ngoài ra, nên nghiên cứu quy định mức doanh thu không chịu thuế theo hướng mở để linh hoạt điều chỉnh khi có sự biến động về chỉ số giá tiêu dùng, về chính sách tiền lương, các chính sách thuế khác hay khi có sự biến động kinh tế vĩ mô để bảo đảm tính lâu dài, ổn định của Luật sửa đổi,…

Bên cạnh đó, về lâu dài việc nâng mức chịu thuế sẽ tạo động lực cho các hộ kinh doanh, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng nguồn thu tốt hơn, mặt khác việc nâng mức chịu thuế để phù hợp với Luật Thuế TNCN và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021.

TS.Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nêu quan điểm về nội dung này, TS.Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thay đổi mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, ở mức doanh thu cụ thể, cần có sự tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở đối chiếu với mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân cư trú nộp thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Điều này hướng tới sự đảm bảo công bằng trong việc loại trừ nghĩa vụ thuế đối với những cá nhân có thu nhập chịu thuế dưới ngưỡng tối thiểu mà pháp luật quy định.

Đồng thời, TS.Nguyễn Minh Hằng cũng bày tỏ đồng thuận với quan điểm cân nhắc phân loại ngưỡng doanh thu chịu thuế theo ngành nghề tương tự như thuế suất tỷ lệ cố định trong phương pháp tính thuế trực tiếp, chẳng hạn như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng chịu thế cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng./.

Lê Anh